Digital Marketing là gì? Kiến thức cơ bản người mới cần biết

Viết bởi Nam Cung

Cập nhật: November 25, 2023

Khi bạn bước vào thế giới rộng lớn của Internet, nếu bạn đang học về kỹ năng quảng bá sản phẩm hoặc kiếm tiền Online thì mình tin chắc bạn sẽ thường xuyên bắt gặp thuật ngữ "Digital Marketing".

Nhưng thực sự "Digital Marketing là gì?" và tại sao nó lại trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh Online hiện nay?

Có thể nói học Digital Marketing là một xu hướng đang được rất nhiều bạn quan tâm. Đây là một phương pháp tiếp cận khách hàng tiềm năng và giới thiệu sản phẩm hiệu quả. Đồng còn giúp bạn xây dựng mối quan hệ và thương hiệu cá nhân trên mạng.

Theo một báo cáo mình đọc ở WordStream, các doanh nghiệp ngày càng chi nhiều tiền vào các hoạt động Digital Marketing với con số dự kiến khoảng $526 tỷ vào năm 2024. Và điều đó chứng tỏ có kiến thức về Digital marketing sẽ đem lại cho bạn rất nhiều cơ hội.

digital-marketing-statistics-so-tien-chi-tra-cho-quang-cao

Do đó nếu bạn là một người mới, đang muốn tìm hiểu về ngành Digital Marketing, hay đơn giản bạn muốn biết Digital Marketing là làm gì trong môi trường kinh doanh hiện đại, bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu một cách chi tiết về lĩnh vực này. 

Bên cạnh đó, nếu bạn đang tìm lộ trình để tự học Digital Marketing hay bạn muốn biết học Digital Marketing ở đâu là tốt nhất, mình cũng sẽ tiết lộ cho bạn con đường đúng đắn.

Mình hứa sau bài viết này bạn sẽ có một cái nhìn tổng quan về Digital Marketing, cũng như một số định hướng có thể thay đổi cuộc sống, sự nghiệp của bạn.

Hãy cùng mình bắt đầu thôi!

Digital Marketing là gì?

Digital Marketing (hay còn gọi là tiếp thị kỹ thuật số) là một thuật ngữ nói đến việc bạn sử dụng các công cụ và kênh số (như website, mạng xã hội, email,, v.v.) để tiếp thị và quảng bá sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu của bạn tới khách hàng.

digital-marketing-la-gi

Trên thực tế, không khó để bạn bắt gặp các chiến dịch Digital Marketing trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ là bạn chưa có kiến thức nền tảng để nhận biết nó.

Ví dụ: Khi bạn gõ một từ khóa trên Google tìm kiếm sản phẩm thì bạn cũng đã vô tình thấy một chiến dịch SEO.

Hoặc khi lướt TikTok bạn thấy các video viral vô tình xuất hiện thì đó cũng là một dạng Digital Marketing.

vd-digital-marketing-tiktok

Tạm thời là vậy, còn phân biệt nó như thế nào mình sẽ hướng dẫn bạn cụ thể trong phần các kênh của Digital Marketing bên dưới.

Digital Marketing có từ đâu?

Trước khi chúng ta đi sâu vào những nội dung chi tiết khác của Digital Marketing, hãy cùng mình nhìn lại con đường hình thành và phát triển của nó.

Mặc dù mình không thích nói về lịch sử hay nguồn gốc của những thứ kỹ thuật nhưng với Digital marketing có phần ngoại lệ. Bạn cần hiểu rõ lịch sử vì nó sẽ giúp bạn thấy được sự thay đổi và cách mà học digital marketing ngày càng trở nên quan trọng.

Sự thay đổi từ Marketing truyền thống đến Digital Marketing

Hãy cùng mình du hành thời gian về thập niên 80 và 90, khi đó Marketing truyền thống - gồm quảng cáo trên TV, radio, in ấn và bảng quảng cáo ngoài trời - là những kênh chủ đạo trong chiến lược tiếp thị.

marketing-truyen-thong-sang-digital-marketing-2

Tuy nhiên, vào cuối thập kỷ 90, với sự bùng nổ của Internet, mọi thứ bắt đầu thay đổi.

Digital Marketing bắt đầu phát triển mạnh mẽ khi người dùng có nhu cầu tìm kiếm thông tin trực tuyến nhiều hơn. Các doanh nghiệp nhận ra rằng mạng xã hội, email và trang web có thể là những kênh quảng cáo mới mẻ và hiệu quả cao.

Các giai đoạn quan trọng trong lịch sử Digital Marketing

Đây là một số giai đoạn giúp bạn dễ dàng nhìn thấy sự phát triển và phổ biến của Digital Marketing.

  1. Khởi đầu (1990 - 2000): Đánh dấu sự ra đời của công cụ tìm kiếm như Yahoo. Doanh nghiệp bắt đầu nhận ra tiềm năng của việc quảng cáo Online.
  2. Sự bùng nổ của Google (2000 - 2010): Google trở thành công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới, đánh dấu sự ra đời của Google AdWords, giúp các doanh nghiệp có thể đặt quảng cáo dựa trên từ khóa.
  3. Xuất hiện của mạng xã hội (2005 - 2015): Facebook, Twitter, Instagram ra đời và nhanh chóng có hàng tỷ người dùng, trở thành nền tảng marketing cho phép tiếp cận khách hàng bằng cách nhắm mục tiêu theo hành vi.
  4. Trải nghiệm di động và video (2015 - Nay): Sự gia tăng sử dụng điện thoại di động đã thay đổi cách doanh nghiệp tiếp cận khách hàng. Quảng cáo video và livestream trở thành xu hướng chính.

Thông qua việc nắm bắt lịch sử này, bạn có thể thấy rằng Digital Marketing không chỉ là một "cơn sốt" ngắn hạn. Nó đã, đang và sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Vì vậy cũng có thể nói học Digital Marketing không bao giờ là lỗi thời, nhưng quan trọng là phải nắm bắt xu hướng và hòa mình vào dòng chảy lịch sử của nó.

Tầm quan trọng của Digital Marketing

Với giá trị thị trường toàn cầu đạt giá trị gần 321 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến tăng 13.1% vào năm 2024.

Digital Marketing đã và đang chiếm một vai trò quan trọng, không chỉ trong việc thay đổi cách doanh nghiệp tiếp cận và tương tác với khách hàng mà còn trong việc định hình lại toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. 

bieu-do-tang-truong-digital-marketing

Dưới đây là những lý do tại sao Digital Marketing lại quan trọng đến vậy:

1. Số lượng người dùng Internet ngày càng tăng

Hiện nay, hầu như mọi người đều sử dụng Internet. Với việc truy cập web dễ dàng thông qua điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính xách tay, bạn có cơ hội tiếp cận một lượng lớn người dùng.

2. Thực hiện chiến dịch chính xác

Digital Marketing cho phép bạn tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu của mình thông qua các chiến dịch được tối ưu hóa. Ví dụ: Quảng cáo trên Facebook có thể được chỉ định chính xác đến một nhóm người dựa trên độ tuổi, sở thích, địa điểm, và nhiều yếu tố khác.

3. Đo lường và tối ưu

Khác với Marketing truyền thống, Digital Marketing cho phép bạn theo dõi và đánh giá hiệu suất của chiến dịch một cách chính xác. Các công cụ như Google Analytics giúp bạn xem số lượt truy cập, tỷ lệ chuyển đổi, và nhiều chỉ số khác.

4. Linh hoạt và thích nghi nhanh chóng

Khi một chiến dịch không mang lại kết quả như mong đợi, Digital Marketing cho phép bạn điều chỉnh nhanh chóng, không như quảng cáo truyền thống mất nhiều thời gian và tiền bạc để chỉnh sửa.

5. Chi phí hiệu quả:

Mặc dù việc thiết lập và quảng cáo có thể tốn kém, nhưng khi so sánh với quảng cáo truyền thống thì Digital Marketing thường thấp hơn nhưng mang lại ROI cao hơn.

6. Tăng cường mối quan hệ

Digital Marketing cho phép bạn tạo ra một mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng của mình thông qua các kênh như SEO, email marketing, mạng xã hội.

Tóm lại tầm quan trọng của Digital Marketing là điều mà bạn không thể phủ nhận trong thời đại số hóa hiện nay.

Với những lợi ích to lớn mà nó mang lại, mình nghĩ dù bạn là cá nhân, doanh nghiệp nhỏ hay lớn thì nên bắt đầu quan tâm và triển khai sớm. Chắc chắn bạn sẽ thấy được sự phát triển vượt trội với doanh nghiệp của mình. 

Các kênh Digital Marketing cơ bản

Bây giờ chúng ta sẽ khám phá các thành phần cơ bản của Digital Marketing, trong phần này bạn sẽ hiểu được các khía cạnh khác nhau để triển khai một chiến dịch, đồng thời còn là cơ sở để bạn phân biệt các chiến dịch như mình đã nói ở phần trên.

1. Tìm kiếm tự nhiên (SEO)

Bạn đã bao giờ tự hỏi, khi bạn gõ một từ khóa vào Google, tại sao một số trang web xuất hiện đầu tiên trong kết quả tìm kiếm?

Không phải tự nhiên mà có như vậy, đằng sau đó chính là sức mạnh của SEO!

SEO, viết tắt của "Search Engine Optimization" (Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), là quá trình tối ưu hóa website của bạn để nó hiển thị cao trên kết quả tìm kiếm tự nhiên.

Điều đặc biệt ở SEO là bạn không cần phải trả tiền cho Google hay bất kỳ công cụ tìm kiếm nào khác. Thay vào đó, bạn cần cung cấp nội dung chất lượng, đảm bảo trang web hoạt động nhanh chóng và thân thiện với người dùng cùng nhiều yếu tố khác do Google đặt ra.

Để dễ dàng hơn hãy xét ví dụ sau: 

Bạn có một cửa hàng bán giày thể thao. Bằng cách làm SEO website của mình với từ khóa như "giày chạy bộ tốt nhất", bạn có thể đảm bảo rằng khi ai đó tìm kiếm từ khóa này trên Google, trang web của bạn sẽ xuất hiện trong top kết quả, giúp họ dễ dàng tìm thấy và truy cập shop của bạn.

Khi đó bạn không mất một đồng nào mà vẫn có nhiều khách hàng tiềm năng miễn phí, đồng thời tăng cơ hội bán được nhiều sản phẩm hơn.

Đơn giản, đúng không?

vd-seo-giay-chay-bo

Nhìn chung SEO giống như việc bạn xây dựng một cơ sở hạ tầng vững chắc cho ngôi nhà của mình.

Nếu nền móng chắc chắn, ngôi nhà sẽ đứng vững lâu dài. Tương tự, một chiến lược SEO tốt sẽ đảm bảo trang web của bạn thu hút lượng lớn khách truy cập hàng tháng mà không cần chi phí quảng cáo.

Đối với một Online Business mà nói, SEO được coi là kênh quảng cáo quan trọng nhất.

Tại sao?

Bởi vì nó giúp bạn tiếp cận người dùng đúng lúc họ đang tìm kiếm thông tin, sản phẩm, hoặc dịch vụ liên quan đến bạn. Điều này có nghĩa là khả năng họ trở thành khách hàng của bạn rất cao.

Mình biết bây giờ, có lẽ bạn nghĩ rằng SEO nghe có vẻ khá phức tạp.

Tuy nhiên không cần lo, mình đã có một bài viết giải thích rất kỹ về SEO cũng như một số kinh nghiệm liên quan đến nó. Và nếu bạn muốn tự học SEO tại nhà, có thể tham khảo chuỗi series hướng dẫn làm SEO Website cơ bản của mình tại đây.

Đồng thời hãy nhớ rằng, SEO không phải là một cuộc chơi ngắn hạn. Đôi khi, nó cần thời gian để thấy kết quả. Nhưng đối với những bạn có kiên trì và có tầm nhìn xa, mình tin chắc về lâu dài bạn sẽ thấy giá trị vô hạn từ SEO mang lại.

2. Quảng cáo trả tiền (SEM)

Chắc chắn đã có những lần bạn tìm kiếm một sản phẩm trên Google và ngay lập tức thấy một vài quảng cáo nằm ở đầu trang?

Và đó chính là SEM.

SEM, viết tắt của "Search Engine Marketing" (Tiếp thị qua công cụ tìm kiếm), là một chiến lược quảng cáo trực tiếp trên các công cụ tìm kiếm thông qua việc trả tiền. 

Khác với SEO, SEM cho phép bạn mua vị trí trên trang kết quả tìm kiếm, thay vì mất thời gian đạt được vị trí đó thông qua tối ưu hóa.

=> Sau này cứ gọi là chạy Google Ads. 

Ví dụ ở đây, mình đang tìm về "đồ phong thủy", bạn sẽ thấy một vài kết quả xuất hiện đầu tiên dưới dạng "Được tài trợ". Hoặc đôi khi một số công cụ tìm kiếm khác còn gọi là "QC", "AD". Đó là dấu hiệu nhận biết cơ bản về SEM.

vd-sem-gg-ads

Nếu bạn còn mông lung thì cứ nghĩ SEM giống như việc bạn mua một vé VIP để vào một sự kiện. Bạn không cần phải xếp hàng đợi, chỉ cần trả một khoản phí và bạn sẽ được chăm sóc đặt biệt.

SEM rất hiệu quả khi bạn muốn đạt được kết quả nhanh chóng. Đặc biệt là khi bạn mới khởi đầu một website hoặc khi bạn muốn quảng cáo một chiến dịch hoặc khuyến mãi cụ thể.

Bạn chỉ phải trả tiền khi ai đó nhấp vào quảng cáo của mình, và với hệ thống đấu giá từ khoá, bạn có quyền quyết định bao nhiêu bạn sẵn lòng trả cho mỗi lượt nhấp.

Một ưu điểm nữa của SEM là khả năng mục tiêu chính xác. Bạn có thể chọn hiển thị quảng cáo của mình cho những người ở một địa điểm cụ thể, trong một khoảng thời gian cụ thể, hoặc thậm chí dựa trên thiết bị họ đang sử dụng.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng SEM không phải là một giải pháp dài hạn giống như SEO. Bạn trả tiền cho mỗi lượt nhấp, và khi bạn dừng chiến dịch quảng cáo, hiệu suất của bạn trên trang kết quả tìm kiếm cũng sẽ bị giảm.

Vì vậy khi làm một Digital Marketer, đừng chỉ nghĩ có tiền sẽ bỏ hết vào SEM. Thay vào đó hãy kết hợp với SEO để tạo thành một chiến lược Marketing mạnh mẽ. Trong khi SEM giúp bạn tạo đột phá và thu hút khách hàng trong ngắn hạn, SEO lại xây dựng nền tảng lâu dài.

Đó chính là bộ đôi sức mạnh về mảng tìm kiếm thông tin.

3. Social Media Marketing (tiếp thị truyền thông xã hội)

Đây có lẽ là kênh nhiều bạn quen thuộc nhất, mỗi chúng ta hầu như ai cũng sử dụng ít nhất một mạng xã hội.

Trong quá trình này đã bao giờ thấy một bài đăng hài hước trên Facebook và chia sẻ nó cho bạn bè? Hoặc lướt TikTok và bắt gặp một buổi livestream cho một sản phẩm?

Nếu câu trả lời là "có", thì bạn đã vừa trải nghiệm sức mạnh của tiếp thị truyền thông xã hội.

Social Media Marketing (SMM), hay còn gọi là tiếp thị truyền thông xã hội, là việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok, X, LinkedIn, và nhiều nền tảng khác để tiếp cận và tương tác với khách hàng mục tiêu.

Ví dụ như một shop thời trang thường chuyên đăng các sản phẩm của họ trên Fanpage Facebook cũng là một cách để tiếp cận khách hàng. Hoặc thậm chí bạn dùng chính trang facebook cá nhân để đăng sản phẩm dịch vụ bạn cung cấp cũng là SMM.

vd-social-facebook

Tóm lại SMM đơn giản chỉ là dùng các kênh mạng xã hội để chia sẻ câu chuyện, giới thiệu sản phẩm dịch vụ cho nhiều người nhìn thấy.

Một trong những điểm mạnh của tiếp thị truyền thông xã hội là khả năng tạo ra sự tương tác hai chiều. Khách hàng có thể phản hồi trực tiếp, chia sẻ ý kiến, và thậm chí là trở thành người truyền đạt thông điệp của bạn.

Điều này giúp tạo ra một mối quan hệ thân thiết giữa bạn và khách hàng.

Không chỉ vậy, Social media marketing cũng cung cấp các công cụ quảng cáo nhắm mục tiêu đối tượng cực kỳ chính xác. Bạn có thể tiếp cận một nhóm người dựa trên sở thích, địa điểm, độ tuổi, giới tính và nhiều hành vi khác.

=> Điều này giúp bạn tối ưu hóa ngân sách quảng cáo và đạt được hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, một điều quan trọng mà bạn cần nhớ là mạng xã hội luôn thay đổi. Các thuật toán thay đổi, và những gì phổ biến hôm nay có thể không còn hấp dẫn ngày mai. Vì vậy, hãy luôn cập nhật và thích nghi với các xu hướng mới.

Bên cạnh đó, mạng xã hội là một ngôi nhà của người khác. Bạn có thể bị "đuổi cổ" bất kỳ lúc nào. Vì vậy mà mình không khuyến khích bạn tập trung vào 1 nền tảng duy nhất, thay vào đó hãy đa dạng các kênh Marketing để nhỡ 1 cái có sập thì còn cái khác làm.

Cuối cùng khi làm SMM, hãy nhớ rằng nó không chỉ là về việc bán sản phẩm. Đó là việc xây dựng một cộng đồng và tạo ra một mối quan hệ với khách hàng của bạn. Có như vậy thì mới phát triển lâu dài và bền vững được.

4. Tiếp thị nội dung (Content Marketing)

Đây có lẽ là kênh marketing mình nghĩ bạn nên dành sự quan tâm nhất, nó không hoạt động độc lập mà thay vào đó còn là nền tảng cho những kênh Digital marketing khác.

Trong kênh này chúng ta đề cập đến một thứ rất quan trọng - nội dung.

Đúng thật là làm Marketing mà không có nội dung thì coi như bỏ.

Content Marketing (hay tiếp thị nội dung) là một chiến lược Marketing dựa trên việc tạo ra và phân phối nội dung có giá trị, liên quan đến sản phẩm/dịch vụ của bạn để thu hút và tạo mối quan hệ với khách hàng.

Mục tiêu chính của Content Marketing là thu hút và duy trì sự quan tâm của khách hàng, và cuối cùng là thúc đẩy hành động từ phía họ như mua sắm, đăng ký email hoặc chỉ đơn giản là chia sẻ thông tin.

Ví dụ: Giả sử bạn có một website kinh doanh về dụng cụ tập gym. Bằng cách viết và đăng bài trên blog với các chủ đề như "Top 10 thực phẩm tốt cho sức khỏe tim mạch" hay "sữa tăng cân nào tốt". Lúc này bạn không chỉ cung cấp giá trị cho độc giả mà còn xây dựng uy tín và chứng minh chuyên môn của mình trong lĩnh vực.

Đặc biệt là bạn có thể giới thiệu sản phẩm của mình trong đó để giúp họ giải quyết vấn đề đang tìm.

vd-bai-dang-blog

Một trong những ưu điểm lớn của Content Marketing là nó xây dựng sự tin tưởng. Khi bạn cung cấp nội dung chất lượng, khách hàng sẽ bắt đầu coi bạn như một chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Điều này không chỉ tăng cường uy tín của bạn, mà còn khuyến khích khách hàng quay lại trang web của bạn, tăng cơ hội để họ thực hiện hành động.

Nhiều bạn thường nghĩ tiếp thị nội dung là việc viết bài đăng Blog. Tuy nhiên thực tế có rất nhiều dạng nội dung khác, đó có thể là video, hình ảnh, podcast, infographics và ebooks.

cac-dang-content

Nhưng dù là dạng nào thì điều quan trọng vẫn nằm ở chỗ nội dung bạn tạo ra phải phù hợp với đối tượng mục tiêu, phải thú vị và có giá trị để nhận được sự quan tâm của họ.

Đồng thời Content Marketing không phải lúc nào cũng mang lại kết quả ngay lập tức. Đó có thể là một quá trình dài, yêu cầu sự kiên nhẫn và đầu tư thời gian.

Nhưng khi bạn tiếp tục cung cấp nội dung chất lượng và duy trì một mối quan hệ với khách hàng, bạn sẽ thấy sự đáng giá với công sức đã bỏ ra của mình.

Tóm lại, tiếp thị nội dung không chỉ là việc tạo ra nội dung - đó là việc tạo ra một câu chuyện và một mối quan hệ với khách hàng của bạn.

5. Email Marketing (Tiếp thị qua Email)

Mình tin rằng đối với chúng ta ai cũng có 1 email để liên lạc trong công việc, học tập hoặc đăng ký các tài khoản. 

Nhưng dưới góc độ Marketing, Email chính là một các kết nối mạnh mẽ với khác hàng.

Email Marketing (hay tiếp thị qua email), là một trong những kỹ thuật Marketing Online lâu đời nhất, nhưng vẫn cực kỳ hiệu quả. Đó là việc sử dụng email như một phương tiện để gửi thông điệp đến khách hàng và đối tượng mục tiêu.

Ví dụ: Sau khi mình đăng ký vào danh sách của RankMath (một công cụ SEO nổi tiếng), họ thường gửi cho mình các email được cá nhân hóa về các kiến thức về SEO. Khi đó thương hiệu của họ sẽ dễ được mình ghi nhớ cũng như biến mình thành khách hàng mua RankMath Pro.

vd-email-marketing

Một trong những lợi ích lớn của Email Marketing là tính cá nhân hóa. Các phần mềm email marketing hiện đại cho phép bạn tạo ra các chiến dịch email có hiệu quả cao dựa trên sở thích, hành vi và lịch sử mua sắm của người dùng.

Điều này giúp mỗi thông điệp trở nên phù hợp hơn và có khả năng tương tác cao hơn.

Không chỉ vậy, Email Marketing cũng rất tiết kiệm chi phí và hiệu quả. Với một ngân sách tương đối thấp, bạn có thể tiếp cận một lượng lớn khách hàng mục tiêu và có cơ hội tạo ra một lượng lớn doanh thu.

Chưa kể đây là một trong số ít kênh cho phép bạn triển khai "Automation Marketing", nghĩa là bạn có thể tự động hóa tiếp cận với khách hàng chỉ với 1 lần thiết lập. Điều này vô cùng lý tưởng cho những bạn muốn tiếp kiệm thời gian, công sức nhưng hiệu quả vẫn tuyệt đối.

Tuy nhiên, một điều quan trọng cần nhớ khi làm Email Marketing là tôn trọng và duy trì sự tin cậy từ người dùng. Do đó bạn cần có những chiến lược thu hút những người đăng ký chất lượng chứ không phải mua data hay các phần mềm spam.

6. Tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing)

Chắc cái này bạn không còn gì lạ nữa rồi, mình thấy giờ lướt TikTok một chút thì có khối người đề cập đến kiếm tiền bằng tiếp thị liên kết.

Nhưng đi sâu vào góc độ Marketing thì nó như thế nào?

Tiếp thị liên kết là một hình thức Marketing trong đó người tham gia (được gọi là affiliate) được trả một số tiền nhất định dựa trên mỗi lần giới thiệu (bán hàng, thực hiện hành động) thành công qua một liên kết được cấp bởi nhà cung cấp (merchant).

Đơn giản hơn, đó là việc bạn giới thiệu một sản phẩm hoặc dịch vụ cho người khác và nhận một phần hoa hồng khi có người mua sắm thông qua liên kết của bạn.

Ví dụ như khi xem một bài review điện thoại trên YouTube bạn thường kéo xuống phần mô tả và nhấp vào các link sau đó mua hàng thì người review đó sẽ nhận được số tiền hoa hồng cụ thể trên lần bạn thanh toán.

vd-lam-affiliate-youtube

Đối với những người tạo ra nội dung như bloggers, YouTubers, hoặc những người có nhiều follow trên các mạng xã hội, đây là một cơ hội tốt để bạn kiếm thêm thu nhập mà không cần phải tạo sản phẩm riêng của mình.

Một trong những lợi ích chính của tiếp thị liên kết là cả 3 bên đều có lợi.

  • Người giới thiệu (Affiliates): Cung cấp nội dung giá trị và nhận được tiền hoa hồng.
  • Người tiêu dùng (Customer): Nhận được lời khuyên hữu ích từ Affiliates để đưa ra quyết định chọn được sản phẩm tốt nhất.
  • Nhà cung cấp sản phẩm: Tăng doanh số bán hàng.

Vì vậy, chìa khóa để thành công trong tiếp thị liên kết là tính chân thật và minh bạch. Nếu bạn chỉ giới thiệu sản phẩm mà không thực sự tin tưởng hoặc không phù hợp với đối tượng của mình, độ tin cậy của bạn có thể giảm và khả năng chuyển đổi cũng sẽ giảm. 

Do đó, hãy chắc chắn rằng bạn giới thiệu sản phẩm và dịch vụ mà bạn thực sự tin tưởng (tốt nhất là từng trải nghiệm) và thấy phù hợp với đối tượng của mình.

Tóm lại, đây là một kênh Marketing mạnh mẽ, vừa tốt cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ thúc đẩy doanh số, vừa tốt cho những người tạo nội dung và muốn kiếm thêm thu nhập mà không cần tạo sản phẩm hoặc dịch vụ riêng. 

7. Video Marketing (Tiếp thị qua Video)

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và mạng xã hội, video đã trở thành một trong những hình thức tiếp thị phổ biến và hiệu quả nhất.

Video Marketing (hay tiếp thị qua video) là việc sử dụng video để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, hoặc thương hiệu của bạn. 

So với nội dung văn bản hoặc hình ảnh, video có khả năng truyền đạt thông điệp một cách sống động, đa chiều và tương tác. Điều này giúp dễ dàng tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ hơn và kết nối với khán giả của bạn.

Ví dụ như Vua Đèn Led - một cửa hàng hay bán các sản phẩm đèn decor phòng đã xây dựng một kênh TikTok để chia sẻ các video để giới thiệu, review, hướng dẫn,...những sản phẩm trang trí.

video-marketing-vua-den-led

Với các mạng xã hội video như TikTok, Youtube bạn có thể dễ dàng triển khai các chiến dịch Marketing từ miễn phí đến trả phí.

Miễn phí khi bạn tạo ra những nội dung hữu ích như chia sẻ kinh nghiệm, review, các Vlog,...về cơ bản đây là Content Marketing. Bên cạnh đó bạn cũng có thể triển khai các chiến dịch chạy quảng cáo video để tiếp cận nhanh chóng đối tượng mình mong muốn.

Và điều thú vị nhất, ngày nay việc làm các video hấp dẫn không còn khó như trước.

Với ý tưởng sẵn có trong đầu bạn và một điện thoại thông minh có ứng dụng chỉnh sửa như Capcut, Filmora bạn hoàn toàn có thể tạo ra nội dung video chất lượng và thu hút người dùng.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng Video Marketing không phải là đăng tải mấy video xàm, câu view. Thay vào đó bạn cần tạo ra những clip liên quan đến chủ đề của mình, chia sẻ giá trị cho người xem để xây dựng lòng tin và nhận diện thương hiệu về bạn. 

Nếu biết tận dụng xu hướng và áp dụng các chiến lược đúng đắn, video có thể trở thành công cụ giúp bạn thúc đẩy nhận diện thương hiệu và tăng cường doanh số bán hàng.

8. Tiếp thị ảnh hưởng (Influencer Marketing)

Bạn đã bao giờ xem một video trên Instagram, TikTok hay YouTube và thấy một người nổi tiếng nói về một sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ yêu thích hoặc trải nghiệm?

Không cần suy nghĩ, đó chính là hình mẫu của Influencer Marketing.

Influencer Marketing (hay tiếp thị ảnh hưởng) là việc hợp tác giữa các thương hiệu và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (được gọi là influencers) để quảng cáo sản phẩm hoặc dịch vụ. 

Những người ảnh hưởng này có thể là những ngôi sao nổi tiếng, những người nổi tiếng trên mạng xã hội, hoặc thậm chí là những người bình thường nhưng có một lượng người theo dõi đáng kể và uy tín trong một lĩnh vực cụ thể.

Ví dụ như Lê Bống là một KOL với hơn 9 triệu follow trên TikTok sẽ có những thương hiệu nhờ vào sức ảnh hưởng của chị ấy để book các hợp đồng quảng cáo.

vd-influencer-le-bong

Khi áp dụng Influencer bạn sẽ có một số lợi ích to lớn như:

  • Tính cá nhân: Đối với nhiều người, tin vào lời khuyên của một người mà họ ngưỡng mộ và tin tưởng nhiều hơn so với quảng cáo truyền thống.
  • Độ tin cậy cao: Khi người ảnh hưởng chân thành giới thiệu sản phẩm, người theo dõi tin tưởng vào lời giới thiệu đó, làm tăng khả năng mua hàng.
  • Phạm vi lớn: Có những người sở hữu hàng triệu người theo dõi, nghĩa là thông điệp của bạn có thể tiếp cận rất nhiều người chỉ trong một thời gian ngắn.

Tất nhiên, khi nhắc đến Influencer Marketing thì thứ quan trọng nhất là bạn phải có một khoảng tiền để chi trả cho họ, tùy vào lượt follow và lĩnh vực mà nó có thể khác nhau.

Bên cạnh đó việc có đủ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm để tìm được những người có khả năng hợp tác với bạn cũng rất quan trọng. Bạn không thể thuê một bạn học sinh cấp 3 với 500.000 follows nói về những sản phẩm dành cho văn phòng, đúng không?

Vì vậy, khi triển khai một chiến dịch Influencer Marketing thì hãy đảm bảo bạn đủ kiến thức chuyên môn cũng như đối tác phù hợp, bạn sẽ phải đưa ra những yêu cầu mà phải có trong nội dung của họ nhằm đạt kết quả tốt nhất.

Nhớ là, không phải book đại người có nhiều follow là được.

9. Online Advertising

Nếu bạn muốn học Digital Marketing về mảng chạy Ads có lẽ đây là kênh bạn quan tâm. 

Online Advertising là việc trả tiền để quảng cáo sản phẩm hoặc dịch vụ trực tuyến để thu hút sự chú ý của người dùng.

Trong Online Advertising có 2 dạng mà bạn cần biết:

Quảng cáo hiển thị (Display Advertising)

Bạn có bao giờ lướt web và thấy các banner quảng cáo nằm ở cạnh, trên đỉnh hoặc thậm chí ở giữa trang?

vi-du-kiem-tien-bang-quang-cao-tren-blog

Đó chính là quảng cáo hiển thị!

Chúng thường xuất hiện dưới dạng hình ảnh, video hoặc đôi khi là hình ảnh động (GIF). Mục tiêu chính của chúng là tạo ấn tượng và thu hút sự chú ý của người dùng.

Cái hay của quảng cáo hiển thị là chúng có thể được thiết kế một cách sáng tạo, thu hút, đồng thời mang đến thông điệp thương hiệu một cách rõ ràng.

Loại quảng cáo này được tính phí dựa trên số lần nó xuất hiện trước mắt người dùng, vì vậy khi triển khai chiến dịch bạn nên thiết kế sao cho thu hút nhất có thể để nhận được nhiều click.

Quảng cáo trên mỗi lần nhấp (Pay-Per-click - PPC)

Quảng cáo PPC thực chất chính là SEM mà chúng ta đã đề cập ở trên, tuy nhiên nó hơi khác một chút là không chỉ áp dụng cho mỗi công cụ tìm kiếm mà còn nhiều nền tảng khác.

Ví dụ như Facebook hoặc một số mạng quảng.

vd-ppc-facebook

Với PPC thay vì thanh toán cho số lần hiển thị, thì bạn chỉ phải trả tiền khi ai đó nhấp vào quảng cáo của mình. Điều này giúp bạn tối ưu hóa chi phí và đảm bảo rằng bạn chỉ trả tiền khi có một hành động cụ thể từ phía người dùng.

Nhìn chung thì PPC sẽ có tỷ lệ tương tác và chuyển đổi cao hơn Display Ads.

Vậy nên, khi bạn làm một chiến dịch Online Advertising hãy xem xét lại mục tiêu và đối tượng của bạn để chọn hình thức phù hợp. Khi đó bạn mới có thể sử dụng ngân sách một cách hợp lý và hiệu quả cao nhất.

10. Retargeting/Remarketing (Tiếp thị lại)

Bạn có hay gặp một trường hợp thế này:

Bạn đã tìm hiểu về một sản phẩm trên mạng nhưng không mua ngay lập tức?

Sau đó, khi bạn lướt Facebook, Instagram, hoặc thậm chí đọc tin tức trên một trang web khác, bạn lại thấy quảng cáo về chính sản phẩm đó?

Đó chính là sự ảo diệu của Retargeting/Remarketing!

Retargeting (hay còn gọi là tiếp thị lại), là một kỹ thuật Marketing dùng để "nhắc nhở" lại với những người đã từng tương tác với trang web hoặc ứng dụng di động của bạn nhưng chưa thực hiện một hành động nhất định, ví dụ như mua hàng.

remarketing-trong-digital-marketing

Về cơ bản, thứ "ảo" đó hoạt động vô cùng đơn giản:

Khi một người dùng truy cập trang web của bạn, một mã (thường gọi là cookie) được đặt vào trình duyệt của họ.

Sau khi họ rời khỏi trang web của bạn mà không thực hiện mua sắm hoặc hành động nào khác mà bạn mong muốn, Retargeting sẽ sử dụng cookie đó để "theo dõi" họ trên web và hiển thị quảng cáo của bạn cho họ trên các trang web và mạng xã hội khác.

Lý do Retargeting lại hiệu quả đến vậy đó là nó tập trung vào một đối tượng đặc biệt: những người đã biết đến thương hiệu của bạn hoặc đã có sự quan tâm về một sản phẩm cụ thể. Bằng cách nhắc nhở họ về những gì họ đã bỏ lỡ, bạn tăng khả năng họ quay lại và hoàn tất hành động.

Mặc dù Retargeting rất mạnh, nhưng đôi khi nó cũng làm phiền người dùng. Nếu bạn hiển thị quá nhiều quảng cáo hoặc trong một khoảng thời gian dài, người dùng có thể cảm thấy bị theo dõi và khó chịu.

Tóm lại, Retargeting là một kỹ thuật tiếp thị hiệu quả để kết nối lại với những người đã từng tương tác với bạn. Điều quan trọng là sử dụng nó một cách thông minh, tập trung vào việc tạo ra giá trị thực sự cho người dùng và không làm họ cảm thấy bị phiền.

Các công cụ hỗ trợ Digital Marketing

Digital Marketing phụ thuộc vào Internet và công nghệ, do đó để có được những chiến lược hiệu quả cao và dễ dàng cho người không rành về kỹ thuật thì bạn cần có các công cụ hoặc phần mềm hỗ trợ.

Sau đây mình sẽ phân ra các nhóm và gợi ý cho bạn một số mà mình cho là tốt nhất:

1. Thiết kế website/blog

dich-vu-web-design

Digital marketing hầu như đều làm việc với web, ví dụ như bạn triển khai một chiến dịch content blog và SEO thì cần có website để viết nội dung và tối ưu. Tuy nhiên thay vì phải có kiến thức lập trình bạn có thể sử dụng một số nền tảng như:

  • WordPress: Nền tảng quản lý nội dung phổ biến nhất trên thế giới, dễ sử dụng và tùy chỉnh.
  • Wix: Dễ sử dụng, dành cho người không chuyên.
  • Blogger: Nền tảng blogging do Google cung cấp, miễn phí.

Về cơ bản, nếu bạn muốn trở thành một chuyên gia về Digital marketing thì bạn chỉ cần sử dụng WordPress thành thạo là quá đủ.

2. Phân tích SEO

SEO là một khía cạnh kỹ thuật, vì vậy bạn không thể "mò" mà thành công được. Do đó để có được những chiến lược SEO hiệu quả cao, bạn cần có một số công cụ phân tích giúp bạn nhìn nhận các cơ hội. biết đối thủ đang làm gì, hiệu suất SEO của trang web ra sao.

Một số công cụ phân tích SEO phổ biến:

  • Moz: Phân tích và theo dõi xếp hạng từ khóa.
  • SEMrush: Phân tích SEO đối thủ và tối ưu hóa trang web của bạn.
  • Ahrefs: Phân tích backlink và từ khóa.
  • Google Search Console: Theo dõi hiệu suất trang web trong tìm kiếm Google.

3. Nghiên cứu từ khóa

Nghiên cứu từ khóa là bước vô cùng quan trọng để bạn định hướng những nội dung chất lượng và có nhiều người quan tâm, đồng thời là nền tảng cơ bản để làm SEO Onpage hiệu quả.

Bạn có thể chọn 1 trong các công cụ:

  • Google Keyword Planner: Nghiên cứu từ khóa và dự đoán lưu lượng truy cập.
  • Kwfinder: Cung cấp cho bạn các từ khóa SEO tiềm năng với các thông số như volume, độ khó SEO, xu hướng,...
  • Keywordtool.io: Tạo danh sách từ khóa dựa trên một từ khóa cụ thể.

Mỗi cái đều có ưu và nhược điểm riêng nên điều bạn cần làm thử nghiệm xem cái nào phù hợp với bạn nhất.

4. Tìm ý tưởng

y-tuong-viet-blog

Làm Dital marketing thường hay dính tới content và mình dám cá rằng có lúc bạn sẽ bí hoặc cạn kiệt ý tưởng. Vì vậy mà tận dụng một số công cụ có thể khiến bạn đỡ bị áp lực và stress hơn:

  • BuzzSumo: Tìm hiểu nội dung phổ biến trên mạng xã hội.
  • Feedly: Theo dõi và thu thập nội dung từ nhiều nguồn.
  • AnswerThePublic: Tìm hiểu các câu hỏi mà mọi người đặt ra liên quan đến một từ khóa cụ thể.

5. Phần mềm email marketing

xd-danh-sach-email

Có lẽ nhiều bạn khi nghe tới Email Marketing sẽ tưởng tượng là nhắn mail cho từng người cũng không chừng. Tuy nhiên, sự thật là muốn làm Email Marketing theo đúng nghĩa thì bạn bắt buộc phải có một phần mềm Email Marketing.

Nó sẽ cho phép bạn thu thập email qua form, quản lý liên hệ, gửi hàng loạt với một cú nhấp và đặc biệt là nó có hệ thống tự động hóa như mình đã nói. 

Các phần mềm Email Marketing tốt nhất mình từng trải nghiệm mà bạn có thể tham khảo:

  • Mailchimp: Một lựa chọn miễn phí tốt cho người mới.
  • GetResponse: Cung cấp hầu hết các tính năng từ cơ bản đến nâng cao để làm Email Marketing.
  • ConverKit: Dành cho những Blogger thích sự đơn giản, dễ dàng quản lý và hiệu quả cao.

6. Nhóm phân tích dữ liệu

google-analytics-report-namcung

Làm Digital marketing dĩ nhiên bạn không thể bỏ qua phần dữ liệu, nó sẽ cho bạn biết mọi thứ về chiến dịch.

Mặc dù có rất nhiều công cụ nhưng mình nghĩ chỉ cần bạn sử dụng Google Analytics thôi là quá đủ, nó cung cấp hầu hết những gì bạn cần để tracking một chiến dịch từ bất kỳ nền tảng nào.

7. Nhóm chạy quảng cáo

facebook-ads-vs-google-ads

Về cơ bản đây là một số nền tảng mạng xã hội cho phép bạn triển khai chiến dịch quảng cáo. 

  • Google Ads: Chạy quảng cáo trên công cụ tìm kiếm và mạng quảng cáo của Google.
  • Facebook Ads Manager: Quảng cáo trên Facebook và Instagram.
  • Twitter Ads: Chạy quảng cáo trên Twitter.
  • LinkedIn Ads: Dành cho quảng cáo B2B trên LinkedIn.

Và đó là 7 nhóm công cụ làm Digital marketing bạn có thể tham khảo. Và mình nói luôn cũng chỉ là sương sương thôi, khi học sâu hơn về từng kênh bạn sẽ còn gặp rất nhiều tool khác nữa.

Xu hướng Digital Marketing hiện tại và tương lai

Ngành Digital Marketing không ngừng phát triển và biến đổi. Để thành công trong lĩnh vực này, việc cập nhật và tiếp tục học hỏi về các xu hướng mới là điều bắt buộc.

Dưới đây là một số xu hướng đáng chú ý:

Trí tuệ nhân tạo và chatbots

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi cách chúng ta sáng tạo nội dung và tương tác với khách hàng. Cụ thể, AI là một công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc sáng tạo nội dung như tìm ý tưởng, viết bài, thậm chí là tạo cả video nhanh chóng. 

Bên cạnh đó chatbots giúp bạn tự động trả lời các câu hỏi của khách hàng mọi lúc mọi nơi, hoặc tự động hóa bán hàng. Điều này bạn giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng và giảm thiểu thời gian phản hồi cho họ.

Ví dụ: Một số phần mềm như Writersonic hay Jasper AI sẽ giúp bạn tạo ra các bài đăng Blog nhanh chóng chỉ với vài thao tác.

ai-writer-5.0

Phân tích dữ liệu lớn (Big Data)

Big Data giúp bạn phân tích và hiểu rõ hơn về hành vi, sở thích và nhu cầu của khách hàng. Bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, bạn có thể tạo ra chiến dịch marketing chính xác và hiệu quả hơn.

Ví dụ: Các công ty lớn như Amazon sử dụng Big Data để phân tích hành vi mua sắm của người tiêu dùng, từ đó đưa ra gợi ý sản phẩm phù hợp với từng khách hàng.

Tối ưu hóa trải nghiệm người dùng (UX Optimization)

toi-uu-ux-ui-digital-marketing

Trải nghiệm người dùng không chỉ liên quan đến thiết kế website. Nó bao gồm mọi khía cạnh từ tốc độ tải trang, cách thức tương tác trên trang đến nội dung được trình bày trực quan.

Một trải nghiệm người dùng tốt sẽ giữ chân khách hàng và khuyến khích họ thực hiện các hành động mong muốn.

Quảng cáo video và trực tiếp

video-livestream-digital-marketing

Quảng cáo video đang trở nên ngày càng phổ biến, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội. Khả năng truyền đạt thông điệp một cách sinh động và thu hút đã làm cho video trở thành một trong những phương tiện quảng cáo có hiệu quả cao nhất thời điểm này.

Ví dụ: Trên YouTube và Instagram, bạn có thể sử dụng tính năng quảng cáo video để giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Đồng thời, việc sử dụng video livestream để kết nối và tương tác với khách hàng đang trở nên phổ biến.

Qua một số xu hướng trên, học digital marketing là chưa đủ, bạn cần phải thực sự "sống" với nó, bằng cách cập nhật liên tục và sẵn sàng thích nghi với những biến đổi mới mỗi ngày.

Ưu điểm và nhược điểm của Digital Marketing

Trong bất kỳ lĩnh vực nào, việc nhận diện rõ ràng ưu điểm và nhược điểm sẽ giúp chúng ta đưa ra quyết định sáng suốt và tối ưu hóa chiến lược.

Vậy đối với digital marketing, điều này ra sao? 

Ưu điểm

  • Đa dạng phương pháp tiếp cận: Như bạn đã thấy ở trên Digital marketing không chỉ có 1 cách tiếp cận mà tùy vào quy mô doanh nghiệp, ngân sách, mục đích mà bạn có thể chọn một vài kênh quảng bá phù hợp.
  • Độ đo lường cao: Khác với quảng cáo truyền thống, Digital Marketing cho phép bạn theo dõi mọi chiến dịch, từ số lượt click, lượt xem, thậm chí là đến hành vi của người dùng trên trang web của bạn.
  • Độ linh hoạt: Muốn thay đổi hình ảnh hoặc thông điệp trong chiến dịch? Không vấn đề gì, chỉ với vài cú click, bạn có thể thay đổi mọi thứ ngay lập tức.
  • Tiếp cận mục tiêu một cách chính xác: Nhờ công nghệ và dữ liệu, bạn có thể đưa ra những quảng cáo dành riêng cho từng nhóm đối tượng, giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi.
  • Chi phí hiệu quả: Với một ngân sách hợp lý, bạn vẫn có thể đạt được kết quả đáng kinh ngạc, tốt hơn nhiều so với quảng cáo truyền thống.

Nhược điểm

  • Sự cạnh tranh khốc liệt: Mỗi ngày có hàng nghìn chiến dịch được ra đời, làm cho việc nổi trội trở nên khá khó khăn.
  • Tính thay đổi nhanh chóng: Công nghệ và xu hướng thay đổi liên tục, yêu cầu bạn luôn phải cập nhật kiến thức và chiến lược.
  • Nguy cơ bảo mật: Việc dữ liệu trở thành một phần quan trọng của Digital Marketing cũng đồng nghĩa với việc có nguy cơ bị xâm nhập và sử dụng sai lệch.

Tóm lại

Vậy đó, mình đã trình bày một cách ngắn gọn về những ưu điểm và nhược điểm của Digital Marketing. Dù có những hạn chế, nhưng không thể phủ nhận rằng, trong thế giới số hóa hiện nay, Digital Marketing chính là một trợ thủ đắc lực cho mọi doanh nghiệp.

Nghề Digital Marketing là làm gì?

nghe-digital-marketing

Với sự phổ biến không thể bàn cãi, Digital Marketing không còn là kỹ năng cho những người kiếm tiền Online như hồi trước. Giờ đây nó được coi là một nghề thực thụ được nhiều doanh nghiệp Online săn đón.

Với nghề Digital Marketing bạn sẽ sử dụng các công cụ và nền tảng như trang web, email, mạng xã hội, quảng cáo Online, viết content, và các kỹ thuật khác để tạo sự nhận diện thương hiệu, tương tác với khách hàng, tạo lưu lượng trang web, và tăng doanh số bán hàng.

Nhân viên Digital Marketing là làm gì?

Một nhân viên Digital Marketing, hay chính xác hơn là chuyên gia Digital marketing hoặc nhà tiếp thị trực tuyến, bạn có thể đảm nhận nhiều vai trò và trách nhiệm khác nhau, tuỳ thuộc vào cấu trúc và nhu cầu của tổ chức.

Dưới đây là một số công việc bạn có thể làm:

  1. Quản lý và tối ưu hóa chiến dịch: Dựa trên dữ liệu và kết quả thực tế để chỉnh sửa và cải thiện hiệu suất.
  2. Tạo và chỉnh sửa nội dung: Viết bài blog, thiết kế hình ảnh, sản xuất video,... phục vụ cho chiến dịch.
  3. Phân tích dữ liệu: Sử dụng các công cụ như Google Analytics để theo dõi và đánh giá hiệu suất của chiến dịch.
  4. Nghiên cứu thị trường: Để hiểu rõ nhu cầu và xu hướng của khách hàng, từ đó đưa ra chiến lược hiệu quả.
  5. Tối ưu hóa SEO: Đảm bảo rằng nội dung trực tuyến được tối ưu hóa cho các công cụ tìm kiếm.
  6. Thiết kế website/Blog: Dùng các nền tảng như WordPress xây dựng ra các dạng website phù hợp với nhu cầu của khách hàng, tối ưu cấu trúc chuẩn SEO và các tính năng hỗ trợ các kênh Digital Marketing khác.

Tóm lại, một chuyên gia Digital Marketing đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra và thực hiện các chiến dịch Marketing Online, giúp doanh nghiệp kết nối với khách hàng và xây dựng một thương hiệu mạnh mẽ trên Internet.

Học Digital Marketing ở đâu?

Có lẽ khi đọc đến đây, bạn đang rất hứng thú và muốn học Digital Marketing để phục vụ công việc kinh doanh Online, làm MMO hoặc tìm một công việc văn phòng ổn định.

Vậy học Digital Marketing ở đâu tốt? Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:

1. Trường đại học và cao đẳng

Hiện tại mình thấy có nhiều trường Đại học và Cao đẳng mở chương trình đào tạo chính quy về Digital Marketing. Tại đó bạn sẽ được trang bị kiến thức nền tảng và bài bản từ các giảng viên giàu kinh nghiệm.

2. Trung tâm đào tạo

Nếu bạn đang là người đi làm hoặc điều kiện không cho phép nhiều, bạn có thể tìm đến một số trung tâm đào tạo Digital Marketing. Ở đó thường cung cấp các khóa học ngắn hạn, giúp bạn nắm bắt nhanh chóng về các công cụ, chiến lược và xu hướng mới nhất.

3. Khóa học trực tuyến (Online)

Dành cho những bạn có vốn tiếng anh, nếu muốn tiết kiệm tiền và học tập linh hoạt, hãy tham gia vào các nền tảng học Online như Udemy, Coursera,... đây là những địa chỉ uy tín cung cấp các khóa học về Digital Marketing do các chuyên gia hàng đầu trên thế giới giảng dạy.

4. Tự học

Nếu bạn là một người thích tự thân vận động, học những thứ mình thích và chắt lọc những cái hay nhất thì tự học Digital Marketing là một cách khá thú vị.

Trong thực tế, không ít người mình quen đã tự nắm bắt kiến thức và kỹ năng thông qua việc đọc sách, xem video, tham gia các diễn đàn, nhóm trực tuyến về Digital Marketing. 

Thậm chí nếu biết được những nguồn chất lượng thì bạn sẽ học được những bí kíp mà không trường học hay trung tâm nào chia sẻ cho bạn. 

Mình chính là một ví dụ cho việc tự học Digital Marketing. Khi mới bước chân vào lĩnh vực kiếm tiền online khoảng 2018 khi đó thì Digital Marketing còn khá sơ khai nên nguồn duy nhất để học chính là Google và các diễn dàn.

Bằng việc vừa tìm hiểu, vừa ghi lại trên Blog và áp dụng vào các chiến dịch thì tự nhiên kỹ năng của mình được cải thiện và tăng dần. 

Và bây giờ, những gì mình đang làm trên Blog này hay viết những dòng này cho bạn đều là tự học cả.

Tự học Digital Marketing nên bắt đầu từ đâu?

Có lẽ khi đọc phần này, bạn là một người thích tự tìm tòi như mình.

Mình biết, với nhiều bạn mới thì việc tự học có thể là một thách thức khi không biết bắt đầu từ đâu và làm thế nào để thực hành. Nếu không có hướng đi đúng bạn sẽ rất dễ bị lạc trong vô vàn thông tin.

Vì vậy, nếu bạn đang tự hỏi "Tự học Digital Marketing nên bắt đầu từ đâu?", thì đây là lộ trình mình gợi ý cho bạn dựa trên trải nghiệm của mình từ những ngày đầu đến giờ.

1. Thiết lập một Website/blog cá nhân

Trước hết, nếu bạn chưa có một website hoặc blog, hãy bắt đầu bằng việc tạo ra một cái cho riêng mình. Điều này sẽ là nền tảng giúp bạn thực hành nhiều kỹ năng, từ viết content, tối ưu hóa SEO, đến quảng cáo và phân tích dữ liệu.

Lý do tại sao website/blog lại có ích:

  • Thực hành SEO: Một blog cho phép bạn thực hành viết nội dung tối ưu hóa cho công cụ tìm kiếm, nắm bắt cách sử dụng từ khóa và hiểu cách Google xếp hạng trang web.
  • Thực hành Content Marketing: Bạn sẽ nắm bắt cách tạo ra nội dung thu hút, hiểu biết về người đọc và cách tạo ra một chiến dịch nội dung hiệu quả.
  • Phân tích dữ liệu: Bằng cách tích hợp Google Analytics vào website, bạn có thể học cách phân tích lượng truy cập và hành vi của người dùng trên trang web của mình.

Tóm lại, không có website thì mình đảm bảo bạn không thể học được các kênh quan trọng nhất của Digital Marketing, do đó việc làm các kênh khác cũng sẽ gặp rất nhiều trở ngại.

Ví dụ như chạy quảng cáo mà không có website thì lấy gì mà chuyển đổi, hoặc làm email marketing không có website thì sao mà đặt form thu thập data, đúng chứ?

2. Học từ các nguồn trực tuyến miễn phí

Có nhiều nguồn tài nguyên miễn phí trực tuyến giúp bạn nắm bắt kiến thức về Digital Marketing. Một số nguồn đáng tin cậy mình từng học gồm:

  • Google Digital Garage: Google cung cấp khóa học miễn phí về cơ bản của Digital Marketing.
  • Blog chuyên ngành: Các trang web như HubSpot, Neil Patel và MOZ cung cấp nhiều bài viết và hướng dẫn chi tiết.

3. Tham gia cộng đồng và diễn đàn

Các nhóm trên Facebook, diễn đàn như, Quora hay Reddit đều là nơi tuyệt vời để bạn đặt câu hỏi, chia sẻ kiến thức và học hỏi từ người khác.

dien-dan-digital-marketing

4. Thực hành và thử nghiệm

Như mình đã nói trước đó, việc áp dụng kiến thức vào thực tế là cách tốt nhất để học. Hãy thử nghiệm, mắc lỗi, học từ lỗi đó và tiếp tục cải thiện.

Đừng chỉ dừng lại ở việc đọc lý thuyết vì nó không cho bạn thấy kết quả được.

Tóm lại, việc tự học Digital Marketing không chỉ là việc đọc, xem. Để thực sự thành công, bạn cần kết hợp giữa việc nắm bắt kiến thức và áp dụng nó vào thực tế, và mình dám hứa việc có một website/blog cá nhân chính là nền tảng tuyệt vời để bạn bắt đầu.

Nên biết tất cả hay tập trung một mảng?

Digital Marketing là một lĩnh vực rất rộng lớn, do đó mình biết nhiều bạn mới thường đặt ra câu hỏi: "Liệu mình nên tập trung vào một mảng cụ thể hay phải biết tất cả?" 

Câu trả lời cho câu hỏi này không hề dễ dàng, nhưng có một số điều bạn cần xem xét: 

  1. Sức mạnh của chuyên môn hóa: Khi bạn tập trung vào một mảng cụ thể, bạn có khả năng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó. Ví dụ, nếu bạn quyết định chuyên về SEO, bạn có thể dành toàn bộ thời gian và năng lượng để nắm vững những kỹ thuật, công cụ và tối ưu chiến lược tốt nhất. Tập trung như vậy giúp bạn tạo ra giá trị đặc biệt và được công nhận trong lĩnh vực chọn lựa.
  2. Hiểu biết tổng quan: Dù bạn chuyên sâu vào một lĩnh vực, việc có kiến thức cơ bản về các mảng khác trong Digital Marketing cũng rất quan trọng. Ví dụ, một chuyên gia SEO cũng cần hiểu cách hoạt động của website vì nó ảnh hưởng nhiều đến việc xếp hạng.
  3. Kết nối các mảng: Nếu nãy giờ bạn để ý, Digital Marketing không chỉ là những mảng riêng lẻ. Tất cả chúng đều liên kết với nhau. Ví dụ, nội dung bạn tạo ra cho Content Marketing có thể được quảng cáo qua Social Media Marketing hoặc được tối ưu hóa cho SEO. Khi bạn hiểu cơ bản về các mảng khác, bạn dễ dàng tối ưu hóa và kết hợp chúng một cách hiệu quả.

Đối với những bạn mới bắt đầu, việc nắm vững kiến thức cơ bản về tất cả các mảng trong Digital Marketing là một điều tốt.

Tuy nhiên, khi bạn đã định hình được định hướng thế mạnh, niềm đam mê hoặc nhu cầu của mình, việc chuyên sâu vào một lĩnh vực cụ thể sẽ giúp bạn phát triển nhanh chóng và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Nhớ rằng, dù bạn chọn con đường nào, việc luôn cập nhật kiến thức và kỹ năng là chìa khóa để thành công trong lĩnh vực Digital Marketing.

Digital Marketing là vũ khí tối thượng dành cho người làm MMO (kiếm tiền Online)

digital-marketing-va-kiem-tien-online

Kiếm tiền online (MMO) đã trở nên quen thuộc trong thời buổi này và thu hút rất nhiều người tham gia, từ sinh viên, các bà mẹ bỉm sữa hoặc thậm chí những người làm văn phòng chán ghét sự gò bó.

Nếu bạn mới bước chân vào thị trường này, có được các kỹ năng và công cụ Digital Marketing chính là chìa khóa để bạn đạt được những kết quả tốt nhất.

Dưới đây, hãy cùng mình khám phá tại sao Digital Marketing lại được coi là "vũ khí tối thượng" trong lĩnh vực MMO.

  • Tối ưu hóa truy cập: Với Digital Marketing, bạn có thể dễ dàng tạo ra lưu lượng truy cập đều đặn và chất lượng đến trang web hoặc nền tảng kiếm tiền của mình. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn làm affiliate marketing, bán sản phẩm online hay thậm chí là blogging.
  • Tối ưu hóa thu nhập: Qua việc sử dụng các chiến dịch quảng cáo trả tiền, bạn có thể tiếp cận một lượng lớn khách hàng tiềm năng, tăng cường tỷ lệ chuyển đổi và tối ưu hóa lợi nhuận.
  • Tạo dựng uy tín và thương hiệu cá nhân: Nhờ các kỹ năng Digital Marketing như content marketing và social media marketing, bạn có thể xây dựng hình ảnh và uy tín cá nhân, tạo ra một cộng đồng theo dõi và tương tác, giúp bạn có lợi thế trong việc kiếm tiền online.
  • Phân tích và đo lường: Công cụ như Google Analytics giúp bạn theo dõi và đánh giá hiệu suất của chiến dịch, từ đó điều chỉnh chiến lược để tối ưu hóa hiệu quả.
  • Đa dạng hóa nguồn thu: Với Digital Marketing, bạn có thể tham gia vào nhiều hình thức MMO khác nhau như tiếp thị liên kết, Google AdSense, bán sản phẩm thông qua các nền tảng eCommerce, và nhiều hình thức khác.

Như bạn thấy, Digital Marketing không chỉ là một kỹ năng, mà còn là một "vũ khí" giúp bạn nắm bắt cơ hội, đối mặt với thách thức và tận dụng tối đa tiềm năng trong lĩnh vực MMO.

Kết luận

Mình và bạn đã cùng nhau đi qua một hành trình dài, khám phá và tìm hiểu về thế giới đa dạng của Digital Marketing.

Như bạn đã thấy, Digital Marketing không chỉ là việc quảng cáo Online. Nó bao gồm một loạt các chiến lược, công cụ, và kỹ thuật giúp doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận với khách hàng một cách hiệu quả.

Từ việc hiểu rõ Digital Marketing là gì, lịch sử của nó, đến việc hiểu rõ các kênh, công cụ, và xu hướng mới, mình tin rằng bây giờ bạn đã có cái nhìn rõ ràng và đầy đủ hơn về lĩnh vực này.

Và quan trọng nhất, thông qua những chia sẻ từ cá nhân mình - một người đã từng tự học và chinh phục thách thức trong lĩnh vực kiếm tiền online, hy vọng bạn cảm nhận được niềm đam mê và sự quyết tâm để theo đuổi con đường Digital Marketing.

Nhớ rằng, không có con đường nào dẫn đến thành công mà không có thách thức. Tuy nhiên, với kiên trì, sự cố gắng không ngừng và khao khát học hỏi, bạn sẽ vượt qua mọi rào cản và đạt được mục tiêu của mình.

Digital Marketing là một lĩnh vực đầy tiềm năng giúp bạn có nhiều cơ hội kiếm tiền hoặc hỗ trợ công việc. Tất nhiên nó cũng đòi hỏi ở bạn sự đam mê, sáng tạo và không ngừng thay đổi. Do đó, hãy luôn cập nhật kiến thức, trang bị những kỹ năng mới và đặc biệt, luôn luôn lắng nghe, hiểu rõ khách hàng của mình.

Chúc bạn thành công trên hành trình Digital Marketing của mình!

Sợ quên? Chia sẻ và lưu lại...

Nam Cung

Theo dõi mình trên

Về tác giả

Mình là Nam Cung, người đứng sau những nội dung bạn vừa đọc. Blog này là một trong những Online Business mình đang điều hành. Tại đây mình sẽ chia sẻ cho bạn kiến thức về Blogging, Digital Marketing và cách làm việc Online hiệu quả. Nhớ follow mình để không bỏ lỡ những nội dung mới nhé!

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}
ebook-xay dung-blog

Nhận Ebook miễn phí

Khám phá lộ trình mà mình đã từng trải qua để xây dựng một Blog thu hút hàng ngàn độc giả và thu nhập bền vững.

>