Nghiên cứu từ khóa cho người mới bắt đầu: Hướng dẫn chi tiết từ A đến Z

Nghiên cứu từ khóa cho người mới bắt đầu: Hướng dẫn cực kỳ chi tiết từ A đến Z

Nghiên cứu từ khóa là một kỹ năng quan trọng trong lĩnh vực SEO và Content Marketing.

Khi mới tạo Blog để kiếm tiền Online hoặc kinh doanh hay quảng bá sản phẩm - dịch vụ với website thì dù muốn hay không bạn cũng phải biết đến nó.

Nghiên cứu từ khóa không chỉ đơn thuần là tìm kiếm các từ khóa có lượng tìm kiếm cao, mà còn là quá trình bạn thấu hiểu khách hàng mục tiêu, nắm bắt nhu cầu và mong muốn của họ. Từ đó, bạn có thể tạo ra nội dung chất lượng, thu hút đúng đối tượng và tăng tỷ lệ chuyển đổi.

Nếu bạn là người mới bắt đầu, đừng lo lắng!

Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn bạn từng bước chi tiết cách nghiên cứu từ khóa SEO cơ bản một cách hiệu quả, từ việc hiểu rõ nó là gì, phân loại từ khóa đến xác định mục tiêu và sử dụng các công cụ hỗ trợ.

Cho dù bạn là chủ doanh nghiệp nhỏ, blogger hay người làm marketing, thì bài viết này sẽ trang bị cho bạn kiến thức cần thiết để đưa website của mình lên top Google.

Chương 1: Hiểu về từ khóa

Khi bắt đầu hành trình nghiên cứu từ khóa cho người mới, chắc chắn bạn đã từng nghe đến hai thuật ngữ: “Từ khóa” và “Keyword Research” (nghiên cứu từ khóa).

Nhưng bạn có thực sự hiểu chúng đề cập đến điều gì? Để hiểu rõ hơn, chúng ta cùng đi sâu vào định nghĩa của hai thuật ngữ này.

tu-khoa-la-gi-hero

1. Từ khóa (Keyword) là gì?

Từ khóa (hay còn gọi là keyword) chính là những từ hoặc cụm từ mà người dùng nhập vào ô tìm kiếm (như Google, Bing, TikTok,...) khi họ muốn tìm thông tin về một chủ đề nào đó. 

Ví dụ, nếu bạn muốn tìm hiểu về cách kiếm tiền tại nhà và gõ vào Google, thì “cách kiếm tiền tại nhà” chính là từ khóa của bạn.

tu-khoa-la-gi

Hiểu thì đơn giản vậy thôi, nhưng thực tế để có thể sử dụng hiệu quả từ khóa và làm tốt nghiên cứu thì bạn nên đọc bài viết về từ khóa SEO của mình để có một cái nhìn từ tận gốc rễ.

2. Keyword Research (Nghiên cứu từ khóa) là gì?

Keyword Research (hoặc nghiên cứu từ khóa) là quá trình tìm hiểu, phân tích và lựa chọn những từ khóa phù hợp nhất để tối ưu hóa nội dung trên trang web của bạn, sao cho đáp ứng đúng nhu cầu và ý định tìm kiếm của người dùng.

Ví dụ dưới đây là giao diện sử dụng phần mềm nghiên cứu từ khóa - một bước trong quá trình research, còn cụ thể như thế nào thì lát nữa bạn sẽ học được.

tat-ca-tu-khoa-kwfinder

Vậy tại sao nghiên cứu từ khóa lại quan trọng đến vậy?

Đây là một số lý do chính khiến mọi Blog, website trong thời buổi này phải áp dụng nghiên cứu từ khóa:

  • Hiểu rõ chân dung khách hàng mục tiêu: Bạn sẽ biết được khách hàng của mình đang tìm kiếm điều gì, họ quan tâm đến sản phẩm/dịch vụ nào, và họ sử dụng ngôn ngữ nào để tìm kiếm. Ví dụ, nếu bạn bán giày chạy bộ, bạn sẽ biết được khách hàng của mình thường tìm kiếm các từ khóa như "giày chạy bộ nam", "giày chạy bộ nữ", "giày chạy bộ giá rẻ",...
  • Tăng traffic tự nhiên cho website: Khi bạn sử dụng đúng từ khóa mà khách hàng mục tiêu đang tìm kiếm, website của bạn sẽ có cơ hội xuất hiện ở vị trí cao hơn trên kết quả tìm kiếm. Điều này đồng nghĩa với việc thu hút được nhiều lượt truy cập tự nhiên hơn, từ đó tăng khả năng chuyển đổi thành khách hàng.
  • Tối ưu hóa nội dung: Bằng cách hiểu rõ những gì khách hàng đang tìm kiếm, bạn có thể tạo ra nội dung chất lượng, đáp ứng đúng nhu cầu và mong muốn của họ. Nội dung hữu ích không chỉ giúp giữ chân khách hàng trên website của bạn lâu hơn mà còn tăng khả năng họ quay lại trong tương lai.
  • Cạnh tranh hiệu quả: Nghiên cứu từ khóa giúp bạn nắm bắt được đối thủ cạnh tranh đang sử dụng những từ khóa nào, từ đó đưa ra chiến lược SEO phù hợp để vượt qua họ.

Ví dụ: Giả sử bạn kinh doanh dịch vụ thiết kế website. Bạn nhận thấy rằng đối thủ của bạn đang tập trung vào từ khóa "thiết kế website giá rẻ". 

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, bạn phát hiện ra rằng có nhiều người đang tìm kiếm "thiết kế website chuyên nghiệp" và sẵn sàng chi trả cao hơn cho dịch vụ chất lượng. Đây chính là cơ hội để bạn tạo sự khác biệt và thu hút những khách hàng tiềm năng này.

Tóm lại, nghiên cứu từ khóa là nhiệm vụ bắt buộc đối với người làm Blog hoặc Website nếu muốn tiếp cận đối tượng mục tiêu một cách hiệu quả và bền vững.

Chương 2: Thuật toán Google liên quan đến nghiên cứu từ khóa

Khi nói về SEO, bạn sẽ không thể bỏ qua tầm quan trọng của thuật toán Google.

Là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất trên thế giới, Google liên tục cập nhật thuật toán của mình để mang lại kết quả tìm kiếm chính xác và phù hợp nhất cho người dùng.

Vậy thuật toán này có ảnh hưởng thế nào đến nghiên cứu từ khóa?

thuat-toan-cong-cu-tim-kiem

Có rất nhiều thuật toán được Google đưa vào xếp hạng từ khóa, tuy nhiên về cơ bản dưới đây là 3 thuật toán quan trọng nhất mình nghĩ bạn cần chú ý.

1. RankBrain và ý định tìm kiếm

Đây là một hệ thống trí tuệ nhân tạo giúp Google xử lý các truy vấn tìm kiếm và cung cấp kết quả phù hợp hơn. RankBrain học hỏi từ các tương tác của người dùng với kết quả tìm kiếm.

Do đó, việc tối ưu hóa nội dung của bạn cho các từ khóa có liên quan và cung cấp trải nghiệm người dùng tốt là rất quan trọng.

Google-Rankbrain-seo

2. BERT và hiểu biết ngôn ngữ tự nhiên

BERT là một thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên giúp Google hiểu rõ hơn ngữ cảnh của các từ trong truy vấn tìm kiếm.

Điều này có nghĩa là bạn cần tập trung vào các từ khóa dài (long-tail keywords) và cụm từ khóa (keyword phrases) thể hiện chính xác ngôn ngữ mà người dùng mục tiêu của bạn sử dụng.

Google-Bert

3. Google Hummingbird

Thuật toán này tập trung vào ý định tìm kiếm của người dùng, giúp Google hiểu rõ hơn mục đích đằng sau mỗi truy vấn. Điều này có nghĩa là khi nghiên cứu từ khóa, bạn cần tập trung vào các từ khóa phù hợp với ý định tìm kiếm của người dùng mục tiêu của bạn.

Tóm lại, thuật toán Google không chỉ ảnh hưởng đến cách trang web của bạn được xếp hạng, mà còn ảnh hưởng đến việc bạn nghiên cứu và chọn lựa từ khóa.

Chương 3: Ý định tìm kiếm (Search Intent)

Trong nghiên cứu từ khóa và SEO, việc hiểu rõ ý định tìm kiếm sau mỗi từ khóa là vô cùng quan trọng.

Tại sao vậy?

Bởi vì mỗi lần người dùng nhập một từ khóa vào công cụ tìm kiếm, họ đang thể hiện một nhu cầu, một câu hỏi, hoặc một mong muốn cụ thể.

Sau đây là 5 loại ý định tìm kiếm chính.

y-dinh-tim-kiem-intent-hero

1. Ý định thông tin (Informational intent)

Intent này có đặc điểm là đề cập đến ý định người dùng tìm kiếm thông tin, câu trả lời hoặc học hỏi về một vấn đề nào đó.

Bạn có thể xác định qua các từ khóa thường bắt đầu bằng “làm thế nào”, “cách”, “tại sao”, hoặc “những gì”, "là gì",..

Ví dụ: “cách làm bánh mì”, “tại sao trời lại mưa”, "digital marketing là gì".

infomational-intent

2. Ý định thương mại (Commercial intent)

Intent này nhắm đến ý định người dùng đang trong quá trình cân nhắc mua hàng và muốn tìm hiểu thêm về sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu. Họ có thể tìm kiếm đánh giá, so sánh giá cả, ưu đãi, khuyến mãi,..

Bạn có thể thấy nó thường chứa các từ như “review”, “so sánh”, "tốt không", hoặc tên sản phẩm cụ thể.

Ví dụ: “Review laptop A”, “So sánh máy lọc không khí hãng A với hãng B".

commercial-intent

3. Ý định giao dịch (Transactional)

Từ khóa giao dịch là nơi xảy ra chuyển đổi cao nhất, nó nhắm đến ý định người dùng đã quyết định mua sắm và đang tìm kiếm nơi để thực hiện giao dịch.

Bạn có thể xác định khi nó thường chứa các từ như “mua”, “khuyến mãi”, “giảm giá”, hoặc “đặt hàng”.

Ví dụ: “Mua sách nhà giả kim”, “điện thoại iPhone giảm giá”.

transactional-intent

4. Ý định địa phương (Local)

Người dùng muốn tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp, địa điểm hoặc dịch vụ trong khu vực của họ. Họ có thể tìm kiếm nhà hàng, cửa hàng, khách sạn, dịch vụ sửa chữa, v.v.

Ví dụ: “Nhà hàng ở Đà Lạt”, “khách sạn gần biển Đà Nẵng”.

5. Ý định điều hướng (Navigational)

Người dùng muốn truy cập vào một trang web cụ thể. Họ có thể nhập tên trang web hoặc tên thương hiệu vào công cụ tìm kiếm.

  • Ví dụ: "Facebook", "Shopee", "Vietcombank"

Như bạn thấy, mỗi loại từ khóa trên đều nhắm đến một ý định cụ thể của người tìm kiếm. Nó cũng được coi là hành trình của khách hàng, từ tìm việc tìm thông tin -> so sánh tìm lựa chọn tốt/xác định vị trí thuận lợi -> Chuyển đổi mua hàng.

Một khi bạn nắm rõ các intent này bạn sẽ dễ dàng hiểu hành vi của khách hàng, từ đó tìm ra các từ khóa phù hợp đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của họ.

Chương 4: Các bước nghiên cứu từ khóa chi tiết

Để nghiên cứu từ khóa hiệu quả, bạn cần thực hiện theo một quy trình bài bản.

Mặc dù mỗi chuyên gia SEO thường có những bước khác nhau, tuy nhiên theo kinh nghiệm của mình thì sẽ gồm 7 bước chính. 

Bằng cách thực hành nghiêm túc, tỉ mỉ, kèm sự kiên trì thì bạn sẽ có được một nền tảng vững chắc về nghiên cứu từ khóa.

quy-trinh-nghien-cuu-tu-khoa-seo

Bước 1: Xác định mục tiêu

Trước khi bắt tay vào nghiên cứu từ khóa, bạn cần xác định rõ mục tiêu mà bạn muốn đạt được thông qua SEO. Mục tiêu này sẽ là kim chỉ nam giúp bạn lựa chọn đúng từ khóa và xây dựng chiến lược nội dung phù hợp.

Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:

  • Bạn muốn đạt được gì thông qua SEO? Tăng doanh số bán hàng? Tăng nhận diện thương hiệu? Thu hút khách hàng tiềm năng?
  • Đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn là ai? Họ có đặc điểm gì? Nhu cầu và mong muốn của họ là gì?
  • Bạn muốn họ thực hiện hành động gì trên website của bạn? Mua hàng? Đăng ký nhận bản tin? Điền form liên hệ?

Ví dụ:

Giả sử bạn đang kinh doanh một cửa hàng bán giày thể thao Online. Mục tiêu SEO của bạn có thể là:

  • Tăng doanh số bán giày thể thao: Bạn muốn thu hút nhiều khách hàng hơn đến website và mua sản phẩm của bạn.
  • Tăng nhận diện thương hiệu: Bạn muốn nhiều người biết đến thương hiệu giày thể thao của bạn hơn.
  • Thu hút khách hàng tiềm năng: Bạn muốn xây dựng một danh sách email khách hàng tiềm năng để giới thiệu sản phẩm mới hoặc chương trình khuyến mãi.

Một khi đã xác định rõ mục tiêu, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn từ khóa phù hợp và xây dựng chiến lược nội dung hiệu quả.


Bước 2: Tìm kiếm và xác định Parent Keyword

Trong quá trình nghiên cứu từ khóa, việc tìm hiểu và xác định Parent Keyword là bước cực kỳ quan trọng. Nó là nền tảng cho việc bạn mở rộng và tìm ra các từ khóa con (Child Keywords) hoặc từ khóa liên quan, giúp bạn đi sâu hơn vào ý định tìm kiếm của người dùng.

Parent Keyword là gì?

Parent keyword (từ khóa gốc) là những từ khóa tổng quát, đại diện cho một lĩnh vực, chủ đề lớn hoặc nhóm sản phẩm mà bạn muốn tập trung vào.

Việc xác định parent keyword là bước quan trọng trong quá trình nghiên cứu từ khóa, giúp bạn hiểu rõ hơn về thị trường và tìm kiếm các từ khóa liên quan, cụ thể hơn để tối ưu hóa nội dung website.

Tiếp tục lấy ví dụ về website bán giày thể thao thì parent keyword có thể là:

  • Giày thể thao
  • Giày chạy bộ
  • Giày bóng rổ
  • Giày tập Gym
  • ...

Làm cách nào để tìm Parent keyword?

Để tìm parent keyword hiệu quả bạn có thể áp dụng những cách sau:

  1. Tư duy: Hãy suy nghĩ và liệt kê ra tất cả các từ khóa liên quan đến sản phẩm/dịch vụ của bạn. Đừng đặt giới hạn, hãy nghĩ ra càng nhiều càng tốt. 
  2. Sử dụng công cụ nghiên cứu từ khóa: Những công cụ này có thể giúp bạn tìm ra Parent Keyword một cách nhanh chóng chỉ bằng cách nhập lĩnh vực kinh doanh của bạn.
  3. Phân tích đối thủ: Xem xét những từ khóa mà đối thủ cạnh tranh của bạn đang tập trung có thể giúp bạn xác định Parent Keyword phù hợp.
  4. Lắng nghe khách hàng: Sau này, đôi khi việc trao đổi trực tiếp với khách hàng sẽ giúp bạn hiểu họ thường tìm kiếm thông tin như thế nào, từ đó suy ra Parent Keyword.
parent-keyword-la-gi

Một số lưu ý với Parent keyword:

  •  Parent keyword thường là những từ khóa ngắn (1-3 từ).
  • Parent keyword này có thể nằm trong một parent keyword khác.
  • Một website sẽ có nhiều parent keyword khác nhau, tùy thuộc vào quy mô lĩnh vực của bạn.

Việc lựa chọn parent keyword phù hợp sẽ giúp bạn tối ưu hóa nội dung website và đạt được kết quả tốt hơn trong công cụ tìm kiếm.


Bước 3: Mở rộng từ khóa

Khi bạn đã xác định được Parent Keyword, bước tiếp theo bạn cần làm là mở rộng danh sách từ khóa của mình. Điều này giúp bạn có cái nhìn tổng quan về thị trường, nhận biết những cơ hội tiềm năng và đặt ra chiến lược SEO hiệu quả.

Cách mở rộng danh sách từ khóa

Bằng cách tận dụng từ khóa gốc, bạn có thể dễ dàng mở rộng thêm nhiều từ khóa liên quan đến nó.

Sau đây là một số cách mở rộng mà bạn có thể áp dụng ngay lập tức.

Google Suggest

Nhập parent keyword của bạn vào thanh seach của Google, sau đó nó sẽ gợi ý cho bạn các từ khóa liên quan.

google-suggest-giay-the-thao
Related keyword

Khi nhập từ khóa chính của bạn và đến trang kết quả, khi kéo xuống bạn sẽ thấy những mục gợi ý như từ khóa liên quan, nội dung tìm kiếm khác.

related-keyword-giay-the-thao
Sử dụng công cụ nghiên cứu từ khóa

Đây là cách mình cũng như nhiều SEOer thích sử dụng bởi sự nhanh chóng và hiệu quả cao, bạn có thể sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa SEO như Google Keyword Planner, Kwfinder, Ahrefs.

Sau đó nhập Parent keyword vào trình khám phá từ khóa là nó sẽ cho bạn một danh sách hàng trăm đến hàng ngàn từ khóa liên quan.

Ví dụ dưới đây mình dùng Kwfinder để nghiên cứu từ khóa dựa trên parent keyword: "giày thể thao".

mo-rong-tu-khoa-bang-cong-cu-nghien-cuu-tu-khoa

Tìm từ khóa từ đối thủ

Cách này không dựa vào từ khóa gốc như ở trên, thay vào đó bạn xác định một vài website của đối thủ trong cùng lĩnh vực. Sau đó lấy địa chỉ website của họ bỏ vào các công cụ nghiên cứu từ khóa. 

Bạn sẽ nhận được một danh sách các từ khóa mà đối thủ đang xếp hạng.

mo-rong-tu-khoa-bang-cach-nghien-cuu-doi-thu

Bước 4: Phân tích từ khóa SEO

Sau khi đã có một danh sách dài các từ khóa liên quan, bước tiếp theo chúng ta cần làm là phân tích chúng để xác định những từ khóa nào thực sự phù hợp với mục tiêu và khả năng của bạn.

Các yếu tố cần phân tích:

  • Khối lượng tìm kiếm (Search Volume): Đây là số lượt tìm kiếm dự kiến cho một từ khóa cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Từ khóa với khối lượng tìm kiếm cao thường mang lại nhiều lưu lượng truy cập hơn, nhưng cũng có thể cạnh tranh hơn.
  • Xu hướng (Trends): Sử dụng Google Trends để xem sự biến đổi của từ khóa theo thời gian, giúp bạn nhận biết các từ khóa mùa vụ hoặc những từ khóa đang trở nên phổ biến.
  • CPC (Cost Per Click): Chỉ số này cho bạn biết giá trị tiềm năng của từ khóa đối với quảng cáo trả tiền. Một CPC cao thường chỉ ra rằng từ khóa đó có giá trị thương mại.
  • Độ khó (Keyword Difficulty): Một chỉ số thể hiện mức độ cạnh tranh của từ khóa trên các công cụ nghiên cứu. Số này càng cao, càng khó để xếp hạng trên trang đầu tiên của kết quả tìm kiếm.
  • Mức độ liên quan: Từ khóa có thực sự liên quan đến nội dung và mục tiêu của bạn không? Nếu từ khóa không liên quan, dù có khối lượng tìm kiếm cao và độ khó thấp, bạn cũng không nên sử dụng, bởi nó sẽ không mang lại giá trị cho bạn.
phan-tich-tu-khoa-seo

Quay trở lại với ví dụ về cửa hàng giày thể thao, sau khi phân tích, bạn có thể chọn lọc ra những từ khóa sau:

  • Giày thể thao nam đẹp: Khối lượng tìm kiếm trung bình, độ khó tương đối thấp, tuy nhiên có thể sẽ hơi khó khăn cho những website mới.
  • Giày chạy bộ giá rẻ: Khối lượng tìm kiếm thấp, độ khó thấp, xu hướng tăng, có khả năng bạn sẽ xếp hạng được.
  • Giày chạy bộ nike: Khối lượng tìm kiếm khá cao, độ khó rất thấp, xu hướng tăng. Rất lý tưởng để lên chiến lược SEO cho từ khóa này.

Bước 5: Chọn lọc từ khóa phù hợp

Sau khi đã phân tích kỹ lưỡng các từ khóa tiềm năng, bước tiếp theo bạn cần làm là chọn lọc ra những "viên ngọc quý" thực sự phù hợp với mục tiêu và khả năng của bạn.

Tiêu chí lựa chọn:

  • Khối lượng tìm kiếm cao: Từ khóa có nhiều người tìm kiếm, đồng nghĩa với việc có nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
  • Độ khó vừa phải: Từ khóa không quá cạnh tranh, bạn có cơ hội đạt được thứ hạng cao trên kết quả tìm kiếm.
  • Mức độ liên quan cao: Từ khóa phải thực sự liên quan đến sản phẩm/dịch vụ và nội dung của bạn.
  • Phù hợp với mục tiêu: Từ khóa phải giúp bạn đạt được mục tiêu SEO đã đề ra.

Ví dụ như các từ khóa ở bước trên thì bạn có thể lấy cả vì nó thỏa mãn tất cả những tiêu chí này. 

Và cứ lặp lại như vậy, bạn sẽ có một danh sách từ khóa tiềm năng hoàn chỉnh.


Bước 6: Gom nhóm từ khóa

Sau khi đã chọn lọc được danh sách từ khóa phù hợp, bước cuối cùng là gom nhóm các từ khóa có ý nghĩa tương đồng vào một nhóm.

Việc này giúp bạn dễ dàng quản lý và tối ưu hóa nội dung cho từng nhóm từ khóa cụ thể.

Nhưng tại sao cần gom nhóm từ khóa?

  • Tối ưu hóa cấu trúc website: Bạn có thể tạo các trang landing page hoặc danh mục sản phẩm riêng biệt cho từng nhóm từ khóa, giúp người dùng dễ dàng tìm thấy thông tin họ cần.
  • Tạo nội dung chất lượng: Bạn có thể tập trung viết bài viết chi tiết, chuyên sâu về từng nhóm từ khóa, thay vì viết dàn trải về nhiều chủ đề khác nhau.
  • Tăng hiệu quả SEO: Khi các trang trên website của bạn tập trung vào một nhóm từ khóa cụ thể, Google sẽ dễ dàng hiểu được nội dung của bạn và xếp hạng bạn cao hơn trên kết quả tìm kiếm.

Cách gom nhóm từ khóa

Về cơ bản việc này khá đơn giản, bạn chỉ cần làm đúng các bước sau:

Đầu tiên hãy xác định các chủ đề chính: Dựa vào danh sách từ khóa đã chọn lọc, bạn hãy xác định các chủ đề chính mà các từ khóa đó xoay quanh. Ví dụ, với danh sách từ khóa về giày chạy bộ, bạn có thể xác định các chủ đề chính như: giày chạy bộ nam, giày chạy bộ nữ, giày chạy bộ giá rẻ, các thương hiệu giày chạy bộ,...

Tiếp theo gom nhóm các từ khóa tương đồng: Đặt các từ khóa có ý nghĩa tương đồng vào cùng một nhóm. Ví dụ, bạn có thể gom nhóm các từ khóa "giày chạy bộ", "giày chạy bộ nam", "giày chạy bộ nữ" vào một nhóm.

Cuối cùng đặt tên cho nhóm từ khóa: Đặt tên cho từng nhóm từ khóa sao cho ngắn gọn, dễ hiểu và thể hiện được nội dung chính của nhóm. Ví dụ, bạn có thể đặt tên nhóm từ khóa "giày chạy bộ nam" là "Giày chạy bộ cho nam".

Để đơn giản hơn chúng ta tiếp tục với ví dụ.

Với danh sách từ khóa về giày chạy bộ, bạn có thể gom nhóm như sau:

  • Nhóm 1: Giày chạy bộ cho nam (giày chạy bộ nam, giày chạy bộ nam Nike, giày chạy bộ nam Adidas,...)
  • Nhóm 2: Giày chạy bộ cho nữ (giày chạy bộ nữ, giày chạy bộ nữ Nike, giày chạy bộ nữ Adidas,...)
  • Nhóm 3: Giày chạy bộ giá rẻ (giày chạy bộ giá rẻ, giày chạy bộ dưới 1 triệu, giày chạy bộ sale,...)
  • Nhóm 4: Các thương hiệu giày chạy bộ (giày chạy bộ Nike, giày chạy bộ Adidas, giày chạy bộ Asics,...)

Mẹo: Bạn có thể sử dụng tính năng xuất từ khóa của các công cụ nghiên cứu, sau đó mở lên bằng excel rồi dùng tính năng bộ lọc để đánh dấu các nhóm nhanh chóng.

Bên cạnh cách gom nhóm từ khóa trên bạn cũng có thể linh hoạt hơn bằng cách gom nhóm theo chủ đề, ý định tìm kiếm, thương hiệu hoặc bất kỳ tiêu chí nào khác mà bạn thấy phù hợp.


Bước 7: Chiến lược triển khai nội dung dựa trên từ khóa

Tìm ra từ khóa phù hợp chỉ là bước đầu tiên. Việc quan trọng tiếp theo là bạn cần biết cách tận dụng chúng trong chiến lược nội dung của mình. Dưới đây là kinh nghiệm của mình về cách triển khai nội dung dựa trên từ khóa để thu hút lượng truy cập mục tiêu.

Đầu tiên bạn phải xác định định dạng nội dung, điều này giúp bạn truyền tải thông điệp một cách hiệu quả hơn đến người xem. Các định dạng thường gặp bao gồm:

  • Bài viết blog: Phù hợp với từ khóa giáo dục, hướng dẫn, đánh giá và trả lời câu hỏi.
  • Trang sản phẩm: Dành cho từ khóa mua sắm và sản phẩm cụ thể.
  • Video: Phù hợp cho từ khóa hướng dẫn, giải trí hoặc đánh giá sản phẩm.
  • Infographics: Thích hợp cho từ khóa thống kê và dữ liệu.

Sau đó, hãy sử dụng từ khóa ở những nơi quan trọng như tiêu đề, mô tả, phần đầu, phần cuối, alt hình ảnh,...

Cuối cùng là đảm bảo nội dung bạn viết đem giá trị và có ích cho độc giả. Điều này nghiêng nhiều về Content Marketing và viết bài chuẩn SEO. Do đó, không thể giúp bạn trở nên giỏi trong một vài ngày được mà nó sẽ cải thiện theo thời gian.

Chương 5: Công cụ hỗ trợ nghiên cứu từ khóa

Để hỗ trợ bạn trong quá trình nghiên cứu từ khóa, có rất nhiều công cụ hữu ích, cả miễn phí lẫn trả phí. Mỗi công cụ đều có những ưu điểm riêng, tùy thuộc vào nhu cầu và ngân sách của bạn mà lựa chọn công cụ phù hợp.

Sau đây là những công cụ tốt nhất mà bạn nên lựa chọn:

cong-cu-nghien-cuu-tu-khoa-mien-phi-tra-phi

Công cụ miễn phí

Google Keyword Planner: Đây là công cụ miễn phí của Google, cung cấp dữ liệu về khối lượng tìm kiếm trung bình hàng tháng và mức độ cạnh tranh của từ khóa. Bạn có thể sử dụng công cụ này để tìm kiếm các từ khóa mới, xem xu hướng tìm kiếm theo thời gian và địa điểm.

nghien-cuu-tu-khoa-google-keyword-planner

Google Search Console: Đối với những Blog/website hoạt động được một thời gian và kết nối với công cụ này thì nó sẽ thu thập các dữ liệu về traffic và các từ khóa bạn đang xếp hạng hoặc liên quan đến lĩnh vực.

Keywordtool.io: Lý tưởng để tìm các từ khóa liên quan dựa trên từ khóa gốc, hỗ trợ nghiên cứu trên nhiều nền tảng gồm Google, Youtube, Instagram, Tiktok,...

cong-cu-nghien-cuu-tu-khoa-keywordtool-io

Answer The Public: Công cụ này giúp bạn khám phá những câu hỏi mà mọi người thường đặt ra trên Google liên quan đến từ khóa của bạn. Đây là nguồn cảm hứng tuyệt vời để bạn tạo ra nội dung đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Công cụ trả phí

Ahrefs: Ahrefs là một trong những công cụ SEO toàn diện nhất hiện nay, cung cấp nhiều tính năng mạnh mẽ như nghiên cứu từ khóa, phân tích backlink, kiểm tra thứ hạng từ khóa, phân tích đối thủ cạnh tranh,...

KwfinderCông cụ nghiên cứu từ khóa giá rẻ nhưng chất lượng, giao diện dễ sử dụng, đi kèm với tính năng theo dõi thứ hạng website, phân tích từ khóa, đối thủ cạnh tranh, phân tích backlink,...

SEMrush: SEMrush cũng là một công cụ SEO hàng đầu, cung cấp các tính năng tương tự như Ahrefs. Điểm mạnh của SEMrush là khả năng phân tích đối thủ cạnh tranh và nghiên cứu quảng cáo.

nghien-cuu-tu-khoa-semrush

Moz Keyword Explorer: Công cụ này cung cấp dữ liệu chi tiết về khối lượng tìm kiếm, độ khó, cơ hội và tiềm năng của từ khóa. Moz Keyword Explorer còn có tính năng gợi ý từ khóa liên quan và phân tích SERP (Search Engine Result Page).

Cách phối hợp sử dụng nhiều công cụ để đạt kết quả tốt nhất

Để có cái nhìn đa chiều và chính xác nhất về từ khóa, kết hợp nhiều công cụ là một chiến lược thông minh.

  • Đối chiếu dữ liệu: Sử dụng ít nhất hai công cụ để kiểm tra cùng một từ khóa giúp bạn có cái nhìn đa chiều hơn và đảm bảo dữ liệu chính xác hơn.
  • Tận dụng ưu điểm của mỗi công cụ: Mỗi công cụ có ưu điểm riêng biệt. Ví dụ, Google Keyword Planner tập trung vào dữ liệu quảng cáo, trong khi Ahrefs mạnh về phân tích backlink.
  • Phân tích đối thủ: Sử dụng Kwfinder để phân tích đối thủ và Ahrefs để xem backlink của họ, giúp bạn hiểu hơn về chiến lược của họ và tìm ra cơ hội cho mình.

Việc sử dụng và kết hợp hiệu quả giữa các công cụ sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu suất nghiên cứu từ khóa và tối ưu hóa chiến lược SEO của mình.

Bonus: Kinh nghiệm và mẹo nghiên cứu từ khóa

Sau hơn 5 năm "lăn lộn" trong ngành SEO, mình đã trải qua không ít lần "vấp ngã" và rút ra được nhiều bài học quý giá. Hôm nay, mình muốn chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm và mẹo nhỏ mà mình đã tích lũy được trong quá trình nghiên cứu từ khóa.

Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn tiết kiệm thời gian và công sức, đồng thời đạt được kết quả tốt hơn trong chiến dịch SEO của mình.

kinh-nghiem-nghien-cuu-tu-khoa

Đừng bỏ qua sức mạnh của từ khóa đuôi dài (long-tail keyword)

Từ khóa đuôi dài thường có khối lượng tìm kiếm thấp hơn so với từ khóa ngắn, nhưng lại có độ cạnh tranh thấp hơn và tỷ lệ chuyển đổi cao hơn.

Ví dụ, thay vì tập trung vào từ khóa "giày thể thao", bạn có thể sử dụng các từ khóa dài như "giày chạy bộ nam Nike chính hãng" hoặc "giày đá bóng Adidas giảm giá".

"Mượn" ý tưởng từ đối thủ cạnh tranh

Hãy nghiên cứu xem đối thủ của bạn đang sử dụng những từ khóa nào, nội dung của họ tập trung vào những chủ đề gì. Từ đó, bạn có thể tìm ra những khoảng trống trên thị trường và khai thác những từ khóa mà đối thủ chưa sử dụng.

Tối ưu hóa nội dung xung quanh từ khóa đã chọn

Sau khi đã chọn được từ khóa phù hợp, hãy sử dụng chúng một cách tự nhiên và hợp lý trong nội dung của bạn. Đừng nhồi nhét từ khóa quá nhiều, điều này không chỉ khiến người đọc khó chịu mà còn bị Google đánh giá là spam.

Theo dõi và cập nhật xu hướng tìm kiếm

Thị trường và nhu cầu của khách hàng luôn thay đổi, vì vậy bạn cần thường xuyên theo dõi và cập nhật xu hướng tìm kiếm để điều chỉnh chiến lược từ khóa của mình cho phù hợp.

Sử dụng đa dạng các công cụ nghiên cứu từ khóa

Đừng chỉ dựa vào một công cụ duy nhất. Hãy kết hợp sử dụng nhiều công cụ khác nhau để có cái nhìn đa chiều và chính xác hơn về từ khóa.

Đừng quên yếu tố địa phương

Nếu bạn kinh doanh sản phẩm/dịch vụ tại một khu vực cụ thể, hãy sử dụng cả từ khóa địa phương để thu hút khách hàng trong khu vực đó.

Kiên nhẫn và thử nghiệm

Nghiên cứu từ khóa không phải là công việc một sớm một chiều. Hãy kiên nhẫn, thử nghiệm và điều chỉnh chiến lược của mình để đạt được kết quả tốt nhất.

Kết luận

Như vậy, chúng ta đã cùng nhau đi qua hành trình nghiên cứu từ khóa dành cho người mới - một kỹ năng cơ bản nhưng vô cùng quan trọng giúp bạn SEO Website thành công.

Tóm lại, bạn nên nhớ nghiên cứu từ khóa không chỉ đơn giản là tìm kiếm những từ khóa "hot" nhất, mà còn là quá trình thấu hiểu khách hàng, nắm bắt nhu cầu và mong muốn của họ để tạo ra nội dung chất lượng, thu hút đúng đối tượng và tăng tỷ lệ chuyển đổi.

Vì vậy đừng chần chừ nữa, hãy dùng những kiến thức mình đã chia sẻ ở trên và bắt tay vào thực hiện nghiên cứu từ khóa cho website của bạn.

Hãy nhớ rằng, thành công không đến từ sự may mắn, mà đến từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược thông minh.

Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về SEO và nghiên cứu từ khóa, hãy đăng ký nhận bản tin của mình. Mình sẽ chia sẻ những kiến thức mới nhất, những kinh nghiệm thực tế và những mẹo hay giúp bạn tối ưu hóa chiến dịch SEO của mình.

Chúc kỹ năng nghiên cứu từ khóa của bạn sẽ sớm thuần thục và có những chiến dịch SEO thành công!

Sợ quên? Chia sẻ và lưu lại...

Nam Cung

Theo dõi mình trên

Về tác giả

Mình là Nam Cung, người đứng sau những nội dung bạn vừa đọc. Blog này là một trong những Online Business mình đang điều hành. Tại đây mình sẽ chia sẻ cho bạn kiến thức về Blogging, Digital Marketing và cách làm việc Online hiệu quả. Nhớ follow mình để không bỏ lỡ những nội dung mới nhé!

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}
ebook-xay dung-blog

Nhận Ebook miễn phí

Khám phá lộ trình mà mình đã từng trải qua để xây dựng một Blog thu hút hàng ngàn độc giả và thu nhập bền vững.

>