Sử dụng Ahrefs: Hướng dẫn phân tích tiềm năng SEO cho Blog

Viết bởi Nam Cung

Cập nhật: August 12, 2023

Bạn quan tâm đến cách sử dụng công cụ SEO tốt nhất thời điểm này, phải không?

Nếu mình đoán không lầm thì chắc chắn Ahrefs đang đi đầu trong danh sách này. Nó thực sự là một phần mềm nghiên cứu SEO lý tưởng cho mọi doanh nghiệp muốn có nhiều thứ hạng trên Google.

Tuy nhiên Ahrefs có khá nhiều tính năng, nếu mới sử dụng bạn sẽ bị choáng ngợp và không biết nên sử dụng cái nào cho hiệu quả.

Đó là lý do mình rảnh rỗi ngồi tạo ra hướng dẫn này, mình sẽ chỉ cho bạn cách sử dụng Ahrefs một cách chi tiết để phân tích các tiềm năng SEO cho Blog của bạn.

Khi thuần thục nó thì mình tin bạn không thua bất kỳ chuyên gia SEO nào.

Được rồi, bắt đầu thôi!

Ahrefs là gì?

Ahrefs là một nền tảng phân tích SEO mạnh mẽ nhất trên thị trường giúp bạn khai thác các tiềm năng SEO để cải thiện thứ hạng trên kết quả tìm kiếm. Nó bao gồm các tính năng:

  • Phân tích và kiểm tra liên kết ngược (backlinks).
  • Nghiên cứu từ khóa
  • Phân tích đối thủ cạnh tranh
  • Theo dõi xếp hạng
  • Theo dõi số lượt tìm kiếm không phải trả tiền và tỷ lệ nhấp.
  • v.v

Với những gì từng trải nghiệm, mình tin chắc rằng Ahrefs là công cụ SEO tốt nhất ở thời điểm này để cải thiện thứ hạng. Mặc dù mình phải nói trước nó không miễn phí, vì vậy hãy chắc rằng khi tiếp tục kéo xuống bạn đã có quyền truy cập giao diện sử dụng.

Bạn có thể bỏ ra $7 để thử nghiệm trước khi đưa ra quyết định trả tiền cho họ.

Ahrefs dành cho ai?

Mình chắc chắn Ahrefs không phù hợp với mọi người, đơn giản vì mức giá của nó còn khiến nhiều người không dám nghĩ tới. Vì vậy thông thường phần mềm này chỉ phù hợp cho:

  • Chủ doanh nghiệp nhỏ có nguồn vốn khá tốt
  • Các nhà tiếp thị chuyên nghiệp
  • Freelancer chuyên về giải pháp SEO (Ví dụ nghiên cứu từ khóa, xây dựng backlinks,..)
  • Blogger chuyên nghiệp có điều kiện chi trả để thúc đẩy tăng trưởng
  • Các công ty cung cấp chiến lược SEO cho nhiều khách hàng.
  • Những người quản lý các Website bán hàng với lượt truy cập đủ lớn

Nếu bạn là một người mới viết Blog hoặc làm Website thì mình nghĩ bạn đừng nên quan tâm đến công cụ này, nó quá cao so với tầm của bạn.

Nhưng bạn có giải pháp thay thế...

Đối thủ cạnh tranh của Ahrefs

Ahrefs không phải công cụ SEO duy nhất, bên cạnh họ vẫn còn một số đối thủ cạnh tranh khác như:

Mặc dù khi nói đến công cụ SEO ở thị trường Việt Nam thì chỉ có Ahrefs và KWfinder có số lượng data đủ lớn và phù hợp cho việc phân tích dữ liệu.

Cá nhân mình vẫn thích Ahrefs vì nó có số lượng dữ liệu chi tiết, phân tích chuyên sâu cho từng khía cạnh của SEO. Điều này giúp mình có nhiều thông tin cho chiến dịch SEO và cơ hội xếp hạng trên kết quả tìm kiếm.

Tuy nhiên trong trường hợp bạn không có nhiều ngân sách để chi trả cho Ahrefs thì KWFinder vẫn rất phù hợp. Nó cũng có đủ dữ liệu để bạn phân tích dưới góc độ chuyên nghiệp và nhiều khía cạnh SEO.

Quan trọng hơn hết, KWfinder rẻ hơn Ahrefs gấp nhiều lần.

Các thuật ngữ cần biết khi sử dụng Ahrefs

Trước khi đặt tay lên bàn phím để khám phá các tính năng của Ahrefs thì bạn cần biết về một số thuật ngữ dưới đây. Chúng là các chỉ số để bạn đánh giá tiềm năng SEO và cơ hội xếp hạng nội dung trên kết quả tìm kiếm.

Keyword: Từ khóa nhận được liên quan với từ khóa bạn đầu hoặc lấy từ các url của nhiều Website.

Keyword Difficulty: Độ khó SEO của từ khóa nhận được.

Volume: Khối lượng tìm kiếm ước tính trung bình hàng tháng của từ khóa nhận được

Cost Per Click (CPC): chi phí trên mỗi nhấp chuột trung bình của từ khóa nếu sử dụng quảng cáo trả phí để xuất hiện nó trên kết quả tìm kiếm.

Clicks: Số lần nhấp chuột vào từ khóa dựa trên Volume.

Parent topic: Chủ đề chứa từ khóa của bạn. Ví dụ: 

Traffic Potential: Số lượng truy cập tiền năng bạn sẽ nhận được khi đứng ở Top 1 cho từ khóa đó.

Also rank for: Danh sách các từ khóa liên quan mà 10 kết quả hàng đầu cũng xếp hạng cho từ khóa ban đầu của bạn (ví dụ:

Ahrefs Ranks: Cho thấy sức mạnh của hồ sơ Backlink của Website bạn đang xem so với tất cả các Website còn lại trong cơ sở dữ liệu của Ahrefs.

Domain Rating: Về có bản nó hoạt động như thẩm quyền tên miền trên Moz (DA).

URL Rating: Sức mạnh của một trang trên Website dựa trên các liên kết trỏ về nó. Bạn cũng có thể hiểu nó là quyền hạn trang trên Moz (PA).

Backlinks: Số lượng liên kết ngược từ các Website bên ngoài trỏ về Website của bạn.

Referring Domain: Số tên miền duy nhất liên kết đến mục tiêu của bạn.

CTLDs distribution: Cho biết tên miền của bạn nhận được các liên kết từ những phần mở rộng nào (.com, ,net, ,vn,...)

Archors: Các văn bản liên kết phổ biến nhất được sử dụng.

Đó là tất cả thuật ngữ cần thiết, bạn không cần học thuộc. Nếu như mới bắt đầu bạn chỉ cần nhân bản trang này trên trình duyệt máy tính.

Một trang giữ cố định một trang vừa đọc vừa thực hành và nếu quên thuật ngữ thì bạn chỉ cần nhấp qua xem lại mà không phải kéo lên trên.

Hiểu ý mình chứ?

Mình cũng không ngờ mình chu đáo đến mức như vậy. 😉

Khám phá Keywords Explorer

Mặc dù mình chắc chắn nhiều bạn luôn cho rằng Ahrefs là một công cụ phân tích backlink mạnh mẽ, tuy nhiên khi nói về nền tảng của SEO công cụ này cũng cho phép bạn nghiên cứu từ khóa.

Vì vậy trước tiên hãy nói về Keywords Explorer để tìm ý tưởng từ khóa cho doanh nghiệp của bạn.

Giao diện tổng quan

Sau khi chọn Keywords Explorer và nhập từ khóa bạn sẽ nhận được giao diện như thế này.

tong-quan-keywords-explorer

Bạn sẽ thấy một số block được chia thành các hàng riêng biệt.

Hãy làm quen với hàng đầu tiên, chúng ta có 4 block chính. 

hang 1 overview

Ô đầu tiên đề cập đến độ khó SEO của từ khóa đó, nó được tính trên thang điểm 0-100, số này càng thấp bạn càng có nhiều cơ hội xếp hạng trên kết quả tìm kiếm.

do-kho-cua-tu-khoa-ahrefs

Tuy nhiên đây chỉ là số liệu tham khảo nội bộ trong Ahrefs.

Trên thực tế độ khó còn phục thuộc vào nhiều yếu tố như kỹ năng SEO của bạn, chỉ số DR.

Ví dụ bạn có kinh nghiệm về SEO thì có thể viết vài bài Guest Blogging trên các Website chất lượng và trỏ các liên kết về bài viết.

Hoặc bạn có một Website với thẩm quyền đủ lớn để cạnh tranh với các Website đang xếp hạng từ khóa đó.

Vì vậy, bài học ở đây là đừng quá tin vào điểm độ khó hãy dùng nó như một số liệu tham khảo.

Ô tiếp theo cho bạn biết khối lượng tìm kiếm (Volume) và CPC của từ khóa, bạn cũng có thể thấy xu hướng tìm kiếm từ khóa qua biểu đồ dạng cột.

volume-cpc-ahrefs

Tiếp đến bạn sẽ thấy số lượt clicks, bên cạnh đó còn có số phần trăm nhấp vào kết quả trả tiền so với không trả tiền.

clicks-ahrefs

Cuối cùng mục Global Volume cho biết phần trăm số người tìm kiếm từ khóa trên các quốc gia khác nhau.

global-volume

Trong quá trình làm việc với Keyword Explorer mình nghĩ bạn cần quan tâm lần lượt đến: Khối lượng tìm kiếm, số nhấp chuột và tỉ lệ nhấp vào kết quả trả tiền hoặc không trả tiền.

Tại sao nó quan trọng?

Điều này xuất phát từ thuật toán của Google, họ ngày càng tăng trải nghiệm người dùng với các đoạn trích nổi bật đồng thời nhiều người chạy quảng cáo Google Ads.

Những kết quả loại này chiếm hết các vị trí ban đầu dẫn đến tỉ lệ nhấp vào các kết quả organic thấp lại.

Ví dụ một từ khóa có khối lượng tìm kiếm 5.000 nhưng số lượng click chỉ 2200 và tỉ lệ nhấp vào kết quả miễn phí khoảng 18%. 

Rõ ràng nó sẽ thua một từ khóa có khối lượng 2000 số lượt click 1500 và tỉ lệ nhấp vào kết quả miễn phí 70%.

Vì vậy hãy cố gắng cân bằng các chỉ số trên ở mức độ tốt nhất, đặc biệt hãy quan tâm đến số lần nhấp.

Cách tìm từ khóa bằng Ahrefs

Nếu bạn đang chật vật tìm các từ khóa để triển khai chiến dịch nội dung thì các tính năng dưới đây của Ahrefs sẽ giúp bạn vơ vét hầu hết các tài nguyên tốt nhất dành cho SEO.

Phân tích từ khóa của đối thủ cạnh tranh

Khi nói đến SEO, từ khóa là mấu chốt của sự thành công vì vậy không có gì tốt bằng ăn cắp các ý tưởng từ khóa từ đối thủ của bạn đang xếp hạng.

Bây giờ mở Site Explorer sau đó cắm url của đối thủ cần phân tích và nhấn nút Search.

phan-tich-url

Tiếp đó bạn hãy chọn mục Organic keywords

phan-tich-tu-khoa-doi-thu

Bạn sẽ thấy tất cả các từ khóa đối thủ của bạn đang xếp hạng không phải trả tiền.

Đây thực tế là một mỏ vàng trong SEO, những từ khóa này được lấy ra từ Website đối thủ của bạn.

Theo một cách thông thường bạn có thể dựa trên các số liệu và chọn một từ khóa phù hợp.

Tuy nhiên nếu như bạn muốn ăn cắp các ý tưởng từ khóa của đối thủ một cách khôn ngoan và có nhiều cơ hội xếp hạnh hơn mình sẽ chỉ cho bạn một mẹo. Còn bạn có muốn hay không thì tùy thuộc, mình không bắt buộc.

Để làm điều này trước tiên bạn cần xác định khả năng xếp hạng của Website, ý mình là thẩm quyền (DA) tên miền.

Ví dụ bạn có một Website mới, chắc chắn bạn nên tránh khỏi các từ khóa đuôi ngắn, có lượt tìm kiếm cao vì cơ bản nó khá cạnh tranh.

Thay vào đó mình khuyên bạn nên sử dụng bộ lọc để khai thác các từ khóa có tiềm năng nhưng cạnh tranh ít hơn. Mình thường sử dụng 3 yếu tố:

Position: Vị trí từ 11-20.

Volume: Khối lượng từ 100-2000

Word Count: Từ khóa có độ dài từ 4-7

bo-loc-keywords

Tại sao mình thích các thông số này?

Đơn giản vì nó cho mình thấy đề cập đến từ khóa đuôi dài có tính cạnh tranh thấp nhưng vẫn được nhắm mục tiêu cụ thể.

Còn vị trí từ top 11-20 thì sao? 

Có thể các từ khóa đó  xếp hạng vì chỉ thẩm quyền Website đó mạnh mà họ không nhắm xếp hạng từ khóa đó. Vì vậy đây được coi là một khe hở để bạn lấy từ khóa làm mục tiêu xếp hạng.

Còn trường hợp Website của bạn đã có uy tín thì có thể thoải mái nhắm mục tiêu các từ khóa của đối thủ có đuôi ngắn hoặc trung bình với volume lớn và vị trí từ 1-10.

Khám phá những trang tốt nhất của đối thủ

Một trong những tính năng mình hay dùng nhất là phân tích các trang tốt nhất của đối thủ.

Điều này cung cấp cho mình các thông tin cần thiết thiết để xuất bản nội dung cạnh tranh để có cơ hội vượt qua họ.

Chỉ cần chọn mục Top pages bạn sẽ có được những manh mối tốt nhất của đối thủ.

top-page

Ngoài ý tưởng từ khóa mà trang đó xếp hạng bạn cũng có thể thấy được giá trị của trang đó nhận được theo lượt truy cập.

Nhờ vậy giúp bạn đánh giá được tiềm năng mang lại lợi nhuận của từ khóa đó và theo đuổi xếp hạng nó.

Phát hiện từ khóa mới nhất đối thủ xếp hạng

Mình rất ít dùng tính năng này vì Blog của mình đi theo hướng khác khá nhiều so với những đối thủ khác.

Tuy nhiên nếu như bạn muốn luôn bám sát đối thủ của mình thì có thể tính năng này sẽ giúp ích cho bạn.

Nhấp vào New trong mục Organic Keywords bạn sẽ phát hiện ra các từ khóa mới nhất mà đối thủ vừa xếp hạng. Nếu như bạn không muốn họ vượt mặt thì chỉ cần lấy ý tưởng từ khóa đó phân tích chuyên sâu một chút và viết nội dung chất lượng hơn.

Chắc chắn bạn sẽ là người về đích trước.

new-keyword

Mở rộng danh sách đối thủ cạnh tranh

Thông thường rất khó để bạn tìm thấy một danh sách lớn các đối thủ trong ngành của bạn. Cơ bản vì họ xếp hạng nhiều từ khóa khác nhau và bạn cũng không biết đó là từ khóa nào.

Vì vậy nếu như bạn muốn tìm một danh sách đầy đủ các đối thủ lớn nhất thì có thể chọn mục Competing domains.

mo-rong-doi-thu-canh-tranh

Đây là những đối thủ hàng đầu trong ngành dựa trên url bạn phân tích và hoàn toàn chính xác vì Ahrefs lọc dựa trên các từ khóa liên quan.

Nếu cần thêm ý tưởng chỉ cần chọn đối tượng bạn muốn phân tích để có thêm nhiều từ khóa khác.

Tận dụng Content Gap

Khi dùng Ahrefs lần đầu tiên mình đã bắt đầu với tính năng thú vị này.

Ở mục Organic Search chọn Content Gap, sau đó nhập các Website đối thủ của bạn ở dưới cùng, và nhập địa chỉ website của bạn bên dưới.

content-gap

Điều này giúp bạn phát hiện ra những từ khóa mà đối thủ bạn đang xếp hạng nhưng bạn thì không.

Nhấn Show keywords bạn sẽ thấy tất cả các từ khóa hiện bạn chưa xếp hạng.

content-gap-2

Bây giờ bạn chỉ cần sử dụng bộ lọc và kỹ thuật phân tích từ khóa để lấy những từ tiềm năng nhất để đưa ra chiến lược nội dung phù hợp.

Sử dụng các gợi ý từ Keywords Explorer

Sau khi nhập từ khóa ý tưởng của bạn vào keywords explorer bạn hãy kéo xuống và nhận các ý tưởng liên quan đến nó.

nghien-cuu-tu-khoa-tren-nhieu-nen-tang

Nhấp vào mục All keyword idea để hiển thị tất cả các ý tưởng từ khóa liên quan.

tat-ca-y-tuong-tu-khoa-ahrefs

Xây dựng liên kết với Ahrefs bằng cách lấy cắp từ đối thủ

Khi nói đến Ahrefs chắc chắn chúng ta không thể bỏ qua tính năng mạnh mẽ nhất của nó - phân tích và xây dựng backlinks.

Bây giờ mở Site Explorer và gắn địa chỉ website đối thủ cạnh tranh của bạn.

phan-tich-backlink-cua-doi-thu

Tiếp theo nhấp vào mục backlinks ở sidebar.

Và kết quả cho thấy hàng tá backlinks website đó nhận được.

danh-sach-website-backlinks

Mình chắc chắn lúc này bạn sẽ rối mắt, một số backlinks được lặp lại nhiều lần từ 1 website.

Vì vậy lúc này công cụ bộ lọc sẽ giúp ích cho bạn.

Thông thường mình sẽ chọn One link per domain để lấy ra các liên kết duy nhất từ một tên miền.

Ngoài ra mình rất chú trọng thuộc tính dofollow vì nó có giá trị hơn trong việc tăng thứ hạng và thẩm quyền tên miền.

Tất nhiên nofollow vẫn có giá trị bằng cách điều hướng khách truy cập đến website của bạn.

Điều quan trọng bây giờ, bạn sẽ làm gì với các liên kết nhận được?

loc-backlinks-dofollow

Làm thế nào để sử dụng liên kết trộm được

Nghe có vẻ bất hợp pháp lắm, nhưng trong không gian SEO điều này hết sức bình thường.

Lúc này bạn có nhiều hướng đi.

Đó là liên kết từ các diễn đàn. Điều này thật đơn giản, bạn chỉ cần nhấp vào liên kết để đi đến diễn đàn chứa backlinks của đối thủ. Sau đó hãy đăng ký tài khoản và tìm cơ hội đặt liên kết trên diễn đàn đó.

Liên kết từ các bình luận (thường là nofollow) thì không có gì đơn giản hơn, nhấp vào link đó để chuyển hướng đến nơi cho phép bình luận và để lại ý kiến của bạn.

Tuy nhiên, không phải viết một vài dòng cho xong.

Bạn cần chọn nội dung liên quan đến Website của bạn, đồng thời phải viết có ý kiến khiến mọi người chú ý đến bạn. Khi đó những người tò mò có thể nhấp qua liên kết để đi đến Website của bạn.

Cuối cùng, nhiệm vụ khó khăn nhất nhưng lại hiệu quả nhất.

Đó chính là các liên kết chất lượng đến từ các Blog, Website có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực của bạn.

Bằng cách bạn hãy mở liên kết mà đối thủ của bạn nhận được và khám phá các nội dung đó có liên quan đến chủ đề Website của bạn.

Nhiệm vụ bây giờ là viết các nội dung chất lượng hơn và gửi đề nghị đến Website đó hoặc lên ý tưởng Guest Blogging.

Liên kết tốt nhất (Best by link)

Hoạt động cũng gần như Top Pages,.

Khi nhấp vào mục Best by link ở mục Pages bạn sẽ được báo cáo những trang có nhiều backlinks nhất trên Website đối thủ.

best-by-link

Chỉ cần nhấp các số chứa liên kết bạn sẽ phát hiện ra danh sách backlink dẫn đến trang đó.

best-by-link-2

Ngoài ra mục Best by link growth cho thấy bạn những liên kết có tốc độ nhận được backlinks nhanh nhất.

Backlinks mới nhận được

Nhấp vào New ở mục Backlinks để hiện ra danh sách các liên kết mà website mục tiêu vừa nhận được.

new-backlinks

Tìm kiếm các liên kết hỏng (Broken link)

Liên kết hỏng là các liên kết xấu ảnh hưởng đến việc index dữ liệu của Google.

Nhờ tính năng này bạn có thể phát hiện ra chúng một cách dễ dàng và nhanh chóng khắc phục. Mặc dù khi bạn dùng WordPress thì sẽ có một vài plugin thay thế để phát hiện ra broken link.

broken-lien-ket-hong

Ngoài ra khi nói về kỹ thuật SEO, broken link còn có một lợi ích khác.

Bạn có thể quét các liên kết hỏng trên các Website cùng lĩnh vực và gửi yêu cầu xin phép họ chuyển hướng đến nội dung của bạn.

Đây cũng được coi là một chiến lược xây dựng backlink thông minh được nhiều chuyên gia SEO trên thế giới áp dụng.

Phân tích văn bản Neo (Anchor text)

Văn bản giàu từ khóa (anchor text) là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến xếp hạng của bạn.

Dán bất kỳ liên kết nào bạn cần phân tích vào Site Explorer (thường là site đối thủ) sau đó chọn anchor để bung ra các văn bản neo được gắn liên kết đến trang đó.

phan-tich-anchor-text

Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu từ khóa của bất kỳ url nào bạn cũng có thể kéo xuống SERP và nhấp vào liên kết kết để phân tích Anchor cho trang đang xếp hạng.

anchor-phan-tich-url4

Content Explorer

content-explorer

Công cụ này cho phép bạn phân tích các nội dung của những Website tốt nhất trên chủ đề của bạn. Bạn có thể nhận thấy các tiềm năng như xu hướng backlinks, số lượng truy cập không phải trả tiền, giá trị,...

content-explorer-2

Tuy nhiên thú vị nhất ở công cụ này là bạn có thể khám phá các nội dung được chia sẻ nhiều nhất trên các mạng xã hội lớn như Facebook, twitter, pinterest.

Từ khóa không phải trả tiền và lưu lượng truy cập không phải trả tiền

Đây là 2 tính năng cực kỳ hữu ích của Ahrefs khi nó cho bạn thấy số từ khóa và lưu lượng truy cập không phải trả tiền của Website bạn phân tích nhận được ở thời điểm hiện tại.

Bạn có thể nhấp vào mục Organic keywords để khám phá các từ khóa không phải trả tiền của url đó.

orgranic-keywords-vs-ogranic-traffic

Bạn cũng tìm thấy khối lượng tìm kiếm ước tính tương ứng với vị trí xếp hạng của mỗi từ khóa.

Link Intersect

Hoạt động tương tự như content gap, link intersect cho phép bạn khám phá các liên kết trỏ đến Website của đối thủ còn bạn thì không.

link-intersect
link-intersect-2

Site Audit

site-audit

Tính năng năng này báo cáo cho bạn các dữ liệu SEO mới nhất với trang web bạn đang liên kết.

Đồng thời cũng cho thấy các lỗi thu thập dữ liệu hoặc các liên kết hỏng trên Website của bạn để kịp thời khắc phục.

site-audit-error

Lời kết

SEO ngày càng cạnh tranh và có rất nhiều phương pháp giải quyết. Tuy nhiên một công cụ với số lượng data khổng lồ sẽ là cách nhanh nhất giúp bạn thực hiện các chiến dịch tối ưu thứ hạng.

Và Ahrefs là một trong những công cụ tốt nhất dành cho bạn.

Có điều một điều chắc chắn, nó khá đắt so với hầu hết phần mềm SEO hiện tại. Nếu bạn không có nhiều kinh phí thì mình khuyên bạn đừng nên nghĩ tới. Nó sẽ nhanh chóng ngốn hết túi tiền của bạn.

Vì vậy bạn có thể chấp nhận ít tính năng và data hơn một chút để lựa chọn KWFinder làm công cụ thay thế.

Hy vọng qua hướng dẫn này bạn bạn đã biết cách sử dụng Ahrefs để khai thác những lợi ích SEO và áp dụng cho Blog của mình.

Bạn có ý kiến liên quan nào về Ahrefs chứ? Mình rất muốn lắng nghe ý kiến của bạn đấy.

Sợ quên? Chia sẻ và lưu lại...

Nam Cung

Theo dõi mình trên

Về tác giả

Nam Cung là người mình đứng sau Blog này, nơi mình chia sẻ các kinh nghiệm từng trải về làm việc Online và phát triển Online Business. Đặc biệt mình thích nói về Blogging, nơi mà bạn có thể kiếm tiền thụ động với chính đam mê của mình và theo đuổi lối sống du mục số như mình hiện tại.

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}

Bài viết liên quan

Tham gia danh sách của mình để nhận nội dung mới nhất!

>